Dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến cuộc sống người dân khắp nơi gặp nhiều xáo trộn. Nhiều người Việt ở nước ngoài không thể về thăm quê hương gần 2 năm qua.
Dịch bệnh khiến cuộc sống thường ngày của nhiều người có nhiều thay đổi. Những điều bình thường trước đây trở nên xa xỉ. Chẳng ai ngờ được từ đầu năm 2020 những chuyến du lịch nước ngoài, chuyến bay về nước của người Việt xa xứ… lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đã gần 2 năm trôi qua, dịch bệnh vẫn chưa dừng lại.
Zing trò chuyện với 4 người Việt trẻ sống xa quê hương trong những ngày dịch bệnh, mỗi người một câu chuyện nhưng họ đều mong mỏi cuộc sống sớm trở lại để được làm những điều bình thường, được về nhà ăn bữa cơm giản dị mẹ nấu, cùng gia đình đi du lịch, thưởng thức những món ăn hương vị quê hương quen thuộc…
Trang Dung
Osaka, Nhật Bản
Mình sinh sống ở Nhật được 4 năm và gần 2 năm mình chứng kiến Nhật Bản có nhiều thay đổi vì dịch bệnh. Công việc của mình thuộc ngành dịch vụ nên có sự thay đổi rất lớn. Mình không còn gặp gỡ khách hàng nước ngoài thường xuyên nữa, lương cũng giảm, không được hỗ trợ tăng ca.
Giữa những biến động này, mình quyết định kinh doanh riêng. Cuối năm ngoái, mình và bạn trai mở một tiệm bán đồ ăn Việt từ bánh mì, phở, gỏi cuốn đến các loại gia vị và thực phẩm, đồ khô Việt. Cửa tiệm này mở ra vừa là thử thách, cũng là điểm tựa thu nhập cho mình trong thời buổi khó khăn.
Khu vực mình sinh sống có nhiều đồng hương nên mình mong muốn cửa tiệm này phần nào giúp mọi người vơi bớt nỗi nhớ nhà. Mình luôn nhắc nhở bản thân rằng mỗi khách hàng đến tiệm, cái họ nhận được không chỉ là sản phẩm tốt, mà còn là tình cảm, tinh thần giữa người Việt và người Nhật.
Hiện tại, mọi kế hoạch về thăm Việt Nam, đón bố mẹ sang Nhật chơi đều bị hoãn vô thời hạn vì không biết khi nào dịch mới được kiểm soát hoàn toàn. Gần 2 năm không về nước, mình rất nhớ Nghệ An, nơi mình sinh ra và lớn lên, nhớ những bữa cơm mẹ nấu. Thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát, mình thường xuyên về Việt Nam.
Mỗi lần về quê lại được ăn cơm mẹ nấu. Mâm cơm nhà đơn giản với các món như canh cua, rau muống xào, thịt kho nhưng thực sự đáng quý với người xa xứ như mình. Mình nhớ cả những chuyến du lịch ở Việt Nam. Nhớ nhất là chuyến đi Đà nẵng, Hội An (Quảng Nam) cùng với nhóm bạn người Nhật. Chuyến đi đó khơi nguồn cho dự định mở tiệm đồ ăn Việt ở Nhật của mình và bạn trai.
Hiện tại, người dân nơi mình sinh sống đã dần quen với việc dịch bệnh tồn tại. Số đông mặc định khẩu trang là vật bất ly thân khi ra đường. Người Việt tại thành phố Tondabayashi cũng được chính phủ hỗ trợ nhiều trong thời buổi dịch bệnh. Gia đình, cá nhân nào khó khăn về kinh tế có thể đăng ký vay nhà nước với lãi suất 0%. Ở các uỷ ban thành phố của Nhật cũng có nhiều hỗ trợ về mặt ngôn ngữ để những ai không thạo tiếng Nhật vẫn có thể liên lạc thành phố hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất. Mình cũng là thành viên của hiệp hội người nước ngoài tại thành phố Tondabayashi và đang tham gia hỗ trợ người Việt tại đây.
Nguyễn Thị Minh Phú
Paris, Pháp
Ông xã mình sang Pháp học tiến sĩ từ năm 2015, một năm sau mình sang và theo học chương trình thạc sĩ. Hiện tại, 2 vợ chồng đang sinh sống và làm việc tại Pháp. Đã gần 2 năm kể từ ngày dịch Covid-19 lan rộng ở Pháp và châu Âu, cuộc sống thay đổi khá nhiều.
Nhớ lại thời gian đầu dịch bùng phát ở Pháp, hồi tháng 3 năm ngoái, mình không dám đeo khẩu trang vì khi đó nhiều người coi ai đeo khẩu trang là mang mầm bệnh. Mình và mấy người bạn bàn nhau đeo khẩu trang bên trong, phủ khăn quàng cổ bên ngoài để tránh bị chú ý. Cách này không duy trì được lâu vì ai cũng đeo kính cận, còn đi tàu điện ngầm vào thời tiết tháng 3 hay mưa ẩm ướt, kính đứa nào đứa nấy mờ tịt cả. Thời điểm đó, ngày nào mình cũng phải mang theo laptop, giấy tờ về nhà để chuẩn bị cho tin làm việc từ xa bất cứ lúc nào. Thấm thoắt cũng gần 2 năm dịch bệnh rồi.
Công việc của mình và chồng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Bình thường, mình chỉ làm việc từ xa một ngày/tuần, nay thành 5 ngày mỗi tuần. Làm từ xa hạn chế trong việc giao tiếp, tán gẫu với đồng nghiệp.
Ngoài công việc, những chuyến du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dịch Covid-19 xảy ra. Mọi chuyến đi trong năm 2020 của mình phải huỷ bỏ. Năm ngoái, mình từng ở nhà liên tục từ tháng 3 đến tháng 7-8, cảm giác cuồng chân là không tránh khỏi. Ở nhà lâu, mình dần trở nên ngại du lịch hơn, phần nhiều vì cảm giác không an toàn do dịch bệnh vẫn còn. Hiện tại, tỷ lệ người dân ở Pháp đã tiêm vaccine đạt trên 70%. Nhịp sống dần trở lại quỹ đạo, người dân bắt đầu du lịch trở lại, nhất là vùng Côte d’Azur (Nice, Cannes). Các lệnh giãn cách được gỡ bỏ, nhiều hoạt động du lịch trong khối Schengen dần ổn định.
Nhìn mọi người đi chơi nhộn nhịp, mình lại nhớ những lần về Việt Nam. Có lẽ, mình nhớ nhất là đồ ăn. Đi nhiều nơi rồi nhưng đồ ăn Việt với mình vẫn là nhất. Trời mát thì nghĩ ngay đến bát cháo lòng, cháo lươn, phở nóng, ốc luộc… Trời mưa 2 vợ chồng lại thèm nồi lẩu xì xụp… Trời nóng có ngay tào phớ, bánh tráng trộn, nộm bò khô, chè, thạch…
Hiện tại, mình và chồng mới chỉ đặt các chuyến du lịch trong Pháp, chưa tính đến các chuyến đi nước nước ngoài bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát. Chưa biết đến khi nào mới được về Việt Nam, nhưng khi trở về mình sẽ thăm gia đình đầu tiên, đi ăn các món mình nhớ da diết và cùng bố mẹ du lịch Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt
Lan Lê
Sydney, Australia
Mình cùng chồng và 2 con đã sinh sống tại Australia 17 năm. Hiện gia đình mình đang ở thành phố Sydney (bang New South Wales). Đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của mình thay đổi ít nhiều, trong đó có việc không thể về Việt Nam thăm gia đình hàng năm như trước. Từ đầu năm 2020, mình phải hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay ra nước ngoài.
Đã gần 2 năm kể từ ngày dịch bệnh bùng phát toàn cầu, cuộc sống của mình chủ yếu diễn ra ở Sydney. Hiện tại, tình hình dịch ở nơi mình sống tương đối được kiểm soát mặc dù số ca nhiễm đang tăng. Chính quyền bang New South Wales mới đây đã gia hạn lệnh phong tỏa Sydney.
Dịch Covid-19 khiến hầu hết sinh hoạt của mình và gia đình đều diễn ra ở nhà. Bố mẹ mình ở Việt Nam qua thăm mình từ cuối năm 2019, do dịch nên ông bà phải ở lại Sydney gần 2 năm, lâu hơn nhiều so với dự tính. Cũng nhờ vậy, gia đình mình có nhiều thời gian bên nhau hơn. Mình được gần gũi, chăm sóc bố mẹ nhiều hơn.
Gần 2 năm qua, nhà mình chủ yếu đi du lịch quanh các địa điểm trong phạm vi tiểu bang khi chính phủ nới lỏng giãn cách, cho phép người dân đi lại.
Thời gian này, mình cũng hoài niệm về những chuyến du lịch cùng gia đình khi về thăm Việt Nam. Một trong những địa điểm mình ấn tượng là Tràng An (Ninh Bình). Ngoài ra, mình cũng nhớ những món ngon quê hương như bánh cuốn Phủ Lý, tào phớ, phở Hà Nội.
Mình mong sớm hết dịch để quay về Việt Nam thăm nhà, ăn những món Việt lâu rồi mình chưa thử. Điều nữa, lần tới về nước sau khi hết dịch, mình và gia đình nhất định sẽ ghé thăm Phú Quốc (Kiên Giang).
Việt Lê
Atlanta, Mỹ
Cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, thành phố nơi mình sinh sống đã trải qua gần 2 năm thay đổi vì dịch Covid-19. Hiện tại, cuộc sống ở Atlanta cơ bản quay lại như lúc chưa có dịch. Một bộ phận nhỏ người dân đeo khẩu trang khi ra đường, hầu hết mọi người hình thành thói quen giữ khoảng cách nơi công cộng.
Dịch bệnh cũng khiến cuộc sống cá nhân của mình thay đổi nhiều. Mình làm việc ở nhà hơn một năm nay. Mọi chuyến bay du lịch, công tác đều bị hủy bỏ. Thay vào đó, mình dành thời gian chăm sóc nhà cửa, gặp gỡ bạn bè, người thân qua màn hình.
Khi tình hình dịch bệnh ở thành phố được kiểm soát, mình tranh thủ lái xe đưa gia đình đi ngắm cảnh ở những địa điểm gần nhà, cách khoảng 1-2 tiếng lái xe để đảm bảo an toàn vì dịch bệnh chưa chấm dứt hoàn toàn.
Trước dịch, cứ 1-2 năm, mình thường về Việt Nam một lần. Trong những lần về thăm Việt Nam, điểm du lịch mình ấn tượng là Hội An (Quảng Nam). Tại đây có không khí du lịch tuyệt vời, cũng là một thành phố đáng sống. Sau khi hết dịch, các đường bay hoạt động bình thường, mình sẽ thăm lại phố cổ Hội An và du lịch ở Quảng Ninh hoặc TP.HCM.
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc