Khoảng một tuần qua, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng thêm các biện pháp tạm thời để thắt chặt một số hoạt động trong bối cảnh diễn biển dịch Covid-19 diện biến phức tạp. Trong đó, nơi có dịch cấp 3 trở lên chính quyền cấp xã phải phát phiếu đi chợ cho người dân và đại diện gia đình đi chợ không quá 15 lần một tháng.
Tại Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh ký văn bản tăng cường các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 áp dụng từ 24/11, yêu cầu người dân hạn chế tập trung đông người (không quá 20 người tại một thời điểm). Chính quyền địa phương quy định giờ đi chợ đối với người dân cho hợp lý, đảm bảo giãn cách 2 m. Đặc biệt, người đi chợ phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Nhiều tiểu thương chợ phường 2, TP Sóc Trăng tạm ngưng kinh doanh hoặc bán hàng online để phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: Việt Tường. |
Với những quy định mới từ chính quyền sở tại và tâm lý cẩn trọng của người dân nên nhiều chợ vắng người. Theo đó, nhiều tiểu thương cũng tạm thời đóng cửa quầy sạp, ngưng kinh doanh để chờ tình hình dịch bệnh ổn định trở lại mới mua bán tiếp.
Tại Sóc Trăng, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng Nguyễn Văn Quận ký văn bản yêu cầu ban quản lý chợ thành lập tổ y tế test nhanh nCoV và xây dựng kế hoạch xét nghiệm định kỳ 3 ngày một lần cho các hộ tiểu thương và người đi chợ (chọn ngẫu nhiên), chậm nhất ngày 30/11.
Ông Quận yêu cầu lãnh đạo các phường và Trưởng ban Quản lý chợ TP Sóc Trăng làm trưởng nhóm kết nối doanh nghiệp trên mạng xã hội. Nhóm này chia thành 4 lĩnh vực là sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại và xây dựng để thuận tiện cho việc kiểm tra, quản lý, góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Anh Đắc Vinh, tiểu thương chợ phường 2, TP Sóc Trăng cho biết những ngày gần đây lượng người kinh doanh giảm vì dịch bệnh. Tiểu thương muốn bảo vệ sức khỏe gia đình nên tạm ngưng kinh doanh.
Không riêng anh Vinh, tiểu thương ở nhiều chợ miền Tây đã chuyển sang hình thức bán hàng online.
“Tôi thấy gần chợ có vài F0 nên tạm ngưng ra chợ, chỉ bán hàng trực tuyến. Cá biển những ngày vừa qua không tăng. Cá ngừ có 2 loại, giá 80.000-100.000 đồng/kg, cá ngân 100.000-110.000 đồng/kg”, anh Vinh chia sẻ.
Tại chợ Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang), chiều 24/11, anh Phạm Văn Sỹ ở khu phố 7 mua cá thu giá 130.000-180.000 đồng/kg; cá bớp 140.000-200.000 đồng/kg tùy loại lớn, nhỏ.
“Cá thu giảm 50.000 đồng, cá bớp giảm 50.000-100.000 đồng/kg so với lúc trước dịch. Mực ngon giá 240.000-260.000 đồng/kg, ghẹ 200.000-300.000 đồng/kg. Các loại hải sản này giá giảm khoảng 20-30%”, anh Sỹ nói.
Người đi chợ nông sản, thực phẩm ở các chợ miền Tây giảm rất nhiều. Ảnh: Việt Tường. |
Theo lãnh đạo Ban Quản lý chợ Dương Đông, tiểu thương tại chợ nghỉ khá nhiều vì gia đình có F0 hoặc tiếp xúc gần với ca nhiễm nCoV. Người dân địa phương sợ dịch bệnh nên hạn chế ra đường, chợ vắng khoảng 50% so với thời điểm bình thường.
Chợ trung tâm TP Phú Quốc vắng người nên nhiều loại thủy, hải sản cũng giảm giá từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước.
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc