Chủ tịch UBND TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết bản thân cảm thấy trăn trở với nhiều thách thức trên con đường phát triển sắp tới.
Chủ tịch TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết bản thân cảm thấy trăn trở với nhiều thách thức trên con đường phát triển sắp tới.
Là một người sinh ra và lớn lên tại Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, được biết đến là người hiểu “đảo ngọc” không thua kém ai.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Zing nhân dịp Phú Quốc được nâng cấp trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, ông Hưng cho biết bản thân còn trăn trở nhiều việc. Ông nhận định “đảo ngọc” đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là các vấn đề như môi trường, an ninh trật tự, quản lý quy hoạch, đất đai, nhân sự…
Việc xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, nhưng vẫn giữ được sự hài hòa của thiên nhiên và con người nơi đây là bài toán không hề đơn giản.
– Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất khi Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam?
– Được nâng từ huyện lên thành phố có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch và đô thị Phú Quốc thời gian tới. Tuy vậy, tôi cho rằng có rất nhiều thách thức phía trước, đó là vấn đề môi trường, an ninh trật tự, quản lý quy hoạch, đất đai, nhân sự…
Thách thức trước mắt là làm sao đảm bảo quy hoạch đúng với Quyết định 633/2010 của Thủ tướng, quy hoạch xây dựng Phú Quốc đến năm 2030. Song song đó là vấn đề môi trường, muốn phát triển Phú Quốc thì môi trường phải thật sự đảm bảo, đặc biệt là xử lý rác thải và nước thải.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang và thành phố xác định đặt vấn đề môi trường, quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật lên hàng đầu. Chúng tôi mong muốn làm sao để Phú Quốc vừa là thành phố biển đảo vừa là thành phố du lịch, có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và một số điểm đến trên thế giới.
– Khi được nâng cấp từ cấp huyện lên cấp thành phố, giống như bộ máy sẽ phải “mặc một chiếc áo mới”, rộng hơn. Sự ưu tiên về chất lượng bộ máy nhân sự đang được quan tâm thế nào?
– Từ chính quyền cấp huyện lên một thành phố, chúng tôi có rất nhiều thay đổi về bộ máy, tổ chức.
Tuy vậy, tôi nhấn mạnh bộ máy sẽ phải đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển của Phú Quốc. Đặc biệt, bộ máy này phải đáp ứng yêu cầu quản lý khi vừa là thành phố biển đảo vừa là thành phố du lịch.
– Thủ tướng từng nói không được bê tông hoá Phú Quốc. Yêu cầu đó sẽ được thực hiện thế nào để Phú Quốc có thể phát triển bền vững, giữ được sự tự nhiên vốn có của mình?
– Hiện nay, Phú Quốc đang thực hiện quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tầm nhìn đến năm 2030. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng làm việc với tỉnh Kiên Giang và Phú Quốc về quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050.
Chúng tôi xác định Phú Quốc sẽ có ngành du lịch là mũi nhọn để phát triển lâu dài. Hiện 3/4 diện tích đảo là rừng với 37.000 ha thuộc rừng quốc gia. Rừng được coi như “lá phổi xanh” trong lòng Phú Quốc.
Nhận thức được vấn đề về môi trường, chúng tôi triển khai mật độ xây dựng ở Phú Quốc rất thấp. Theo đó, mật độ mức cao nhất là ở các khu quy hoạch và chức năng cũng chỉ khoảng 20-22%, còn lại là bố trí cây xanh, cảnh quan và đất công cộng.
Chúng tôi cũng xác định biển, hành làng biển là nơi công cộng để khách du lịch và tất cả người dân đều có thể được hưởng thụ. Bãi biển phải là nơi phục vụ chung cho mọi người.
Đó cũng là quan điểm phát triển Phú Quốc, phải xanh – sạch – đẹp và an toàn, hạn chế thấp nhất bê tông hoá.
Gắn vào đó, chúng tôi cũng định hướng các dự án, công trình thân thiện môi trường. Đảm bảo mật độ xây dựng thấp, đảm bảo khối lượng cây xanh để thành phố luôn sạch đẹp, xứng đáng là thành phố du lịch.
– Ông là chủ tịch thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Cảm xúc của ông như thế nào?
– Tất nhiên là bản thân tôi rất là vui và tự hào khi Phú Quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng cấp trở thành thành phố.
Tuy nhiên, kèm theo đó cũng có nhiều trăn trở, lo âu. Tôi mong muốn làm thế nào cùng với tập thể, lãnh đạo thành phố, cả bộ máy có sự đoàn kết, chung tay cùng nhau xây dựng thành phố Phú Quốc ngày một phát triển và giàu đẹp hơn.
Tôi cũng mong muốn các nhà đầu tư bằng tâm huyết của mình, cùng với người dân góp sức xây dựng Phú Quốc thành thành phố biển đảo có sự phát triển vượt bậc.
– Năm 2020, du lịch Phú Quốc bị ảnh hưởng ra sao bởi dịch Covid-19 thưa ông?
– Phú Quốc cũng giống như nhiều địa danh du lịch khác chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khách du lịch giảm sâu. Khi khách du lịch giảm thì các ngành khác như thương mại, vận tải hành khách, hàng hoá… cũng giảm.
Theo kế hoạch năm 2020, chúng tôi sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế. Đến hết năm, chúng tôi chỉ đạt khoảng 46-47%, so với cùng kỳ năm ngoái thì giảm hơn 50%.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc cũng đã và đang xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm kích cầu nội địa. Tháng 11-12/2020, khách du lịch nội địa đến Phú Quốc tăng đột biến. Số lượng phòng đặt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đã lên tới 60%, thậm chí có một số khu lên tới 70%. Đây là tín hiệu đáng mừng sau một năm đầy biến động với tất cả ngành nghề.
Năm 2021 chúng tôi xác định vẫn còn những khó khăn, thách thức phía trước. Do đó, Phú Quốc sẽ có những chính sách cùng các nhà đầu tư, công ty lữ hành ra mắt các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá dịch vụ để kích cầu. Năm 2021, chúng tôi sẽ vẫn hướng trọng tâm đến khách nội địa.
– Nhiều du khách nói rằng du lịch Phú Quốc đã cải thiện, nhưng dịch vụ chưa đa dạng, nhất là về đêm. Số ngày lưu trú trung bình của khách không quá cao. Địa phương sẽ có giải gì để giữ chân du khách lâu hơn?
– Khách đến Phú Quốc hiện nay lưu trú trung bình khoảng 2,2 ngày. Chi tiêu với khách quốc tế khoảng 150-180 USD/ngày. Với khách nội địa, nếu tính cả chi phí máy bay, vé tàu, ăn ở thì chi tiêu trung bình 1,8-2 triệu đồng/ngày. Đối với những khu nghỉ dưỡng cao cấp thì tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, chi phí sẽ cao hơn.
Tôi đánh giá Phú Quốc đã có rất nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí hay nói cách khác là đa dạng sản phẩm du lịch. Chúng tôi đã có vườn thú Safari, công viên nước, hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất thế giới… Bên cạnh đó là chợ đêm, chợ ẩm thực hải sản…
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vào thực tế thì những dịch vụ này là chưa đủ để giữ chân khách du lịch ở lại lâu dài và chi tiêu nhiều.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Du lịch nghiên cứu thêm các dịch vụ giải trí, để khách du lịch có nhiều lựa chọn, có nhiều lý do lưu trú dài ngày. Hiện đã có chủ đầu tư khai trương và xây dựng các dịch vụ chợ đêm, thành phố không ngủ, các sân khấu ca nhạc…
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có những định hướng để khai thác tối đa lợi thế lớn nhất của Phú Quốc là biển, như tắm biển, tham quan, lặn ngắm san hô… Chúng tôi cũng có cả những dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng là casino để đáp ứng cho nhu cầu khách du lịch.
Mong muốn của Phú Quốc là khách đến lưu trú khoảng 3-4 ngày, thậm chí lâu hơn nữa. Để làm được điều đó còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là hỗ trợ các nhà đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ giải trí có thể tổ chức những sự kiện thu hút du lịch. Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể mở rộng kinh doanh các dịch vụ, sản phẩm du lịch ở Phú Quốc.
– Phú Quốc đã có những nhà đầu tư lớn, số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhưng để xây dựng một trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, vẫn rất cần những nhà đầu tư “đại bàng”. Phú Quốc sẽ có chính sách gì để thu hút những nhà đầu tư như vậy?
– Hiện tại, các nhà đầu tư đến với Phú Quốc đang được hưởng những chính sách ưu đãi tốt nhất trong phạm vi Nhà nước cho phép. Bên cạnh đó, khi lên thành phố, chắc chắn Phú Quốc sẽ có nhiều chính sách mới và hấp dẫn cho các nhà đầu tư, về thuế, về nhập cảnh…
Chúng tôi mong muốn các chính sách sẽ tạo điệu kiện thuận lợi và tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với Phú Quốc và cùng Phú Quốc phát triển.
Với vai trò lãnh đạo địa phương, chúng tôi cũng mong muốn sự chung tay, chung lòng của các nhà đầu tư, của người dân để xây dựng một thành phố biển đảo vừa phát triển vừa xanh sạch đẹp. Mong muốn Phú Quốc sẽ có sức cạnh tranh ngang hàng với các điểm đến du lịch trong khu vực, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
– Khi Phú Quốc được nâng cấp trở thành thành phố, dự báo sẽ có một số lượng lớn người dân di cư đến Phú Quốc? Chính quyền có giải pháp gì để tránh áp lực dân số tới sự phát triển của đảo?
– Người xưa có nói: “Đất lành chim đậu”. Bởi vậy, tôi cho rằng với một địa phương phát triển thì tất yếu sẽ có nhiều sự thay đổi về quy mô dân số, thậm chí có thêm sự phức tạp về an ninh, xã hội.
Quy hoạch Phú Quốc đến năm 2030 sẽ có khoảng 550.000 dân. Đến năm 2020, đảo mới có 179.000 dân, nên vẫn còn dư địa tăng dân số.
Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư vào Phú Quốc, thu hút một nguồn lượng lớn lao động, kể cả lao động chất lượng cao và lao động phổ thông. Tôi cho rằng đây là vấn đề gây áp lực cho đảo.
Khó khăn nữa là quản lý về mặt quản lý tạm trú, tạm vắng. Do điều kiện là một thành phố du lịch nên lượng người đến và rời đi trong thành phố cũng thay đổi liên tục. Vì vậy, việc quản lý tạm trú, tạm vắng cũng đang là một bài toán khó với Phú Quốc.
Chúng tôi cũng chủ động giao trách nhiệm đến từng địa phương, các cơ quan quản lý tốt với phần tạm trú tạm vắng, cũng như quản lý về mặt nhân khẩu.
Tôi cho rằng công dân, người lao động đến với Phú Quốc cũng xem như một người dân Phú Quốc. Khi đó, phải chấp hành đúng những quy định của pháp luật.
– Ngoài những khu nghỉ dưỡng cao cấp, Phú Quốc khi là thành phố vẫn cần những khu đô thị mới cho người dân, những khu văn phòng hiện đại, khu dân cư mới. Chính quyền sẽ giải quyết các vấn đề này ra sao để “không ai bị bỏ lại phía sau”?
– Chúng tôi xác định trung tâm của thành phố Phú Quốc vẫn là thị trấn Dương Đông. Tại đây có khu vực sân bay cũ, đã quy hoạch khoảng 80 ha để xây dựng trung tâm hành chính mới, khu đô thị mới. Nơi đây cũng giống như trái tim của Phú Quốc trong tương lai.
Thậm chí, tại đây sẽ có những tòa nhà cao tầng hiện đại. Chúng tôi cũng đang xin ý kiến các cấp để xây dựng công trình cao 29-30 tầng để làm điểm nhấn. Khu vực này cũng xây dựng trung tâm hành chính của Phú Quốc, các trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm… gắn với cảng biển hành khách quốc tế.
Dương Đông sẽ trở thành trung tâm, đấu nối liên kết với thị trấn An Thới và các xã, huyện lân cận. Chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng, theo đúng quy hoạch được phê duyệt của Thủ tướng.
Và thành phố Phú Quốc cũng đang chỉnh trang rất nhiều từ hành lang, vỉa hè, xây dựng bờ kè, hệ thống chiếu sáng, cải tạo các bãi biển, những điểm đến mới… Chúng tôi mong muốn sẽ tạo nên bộ mặt mới, vẻ đẹp mới cho Phú Quốc.
– Người dân Phú Quốc có đặc trưng là người miền biển, rất phóng khoáng, đôn hậu, vui vẻ. Làm thế nào để “đảo ngọc” vừa phát triển nhanh mà người dân vẫn giữ được những bản chất vốn có của con người Phú Quốc?
– Phú Quốc nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, người dân đều có tính tình thẳng thắn và thật thà, thân thiện và hiếu khách. Chúng tôi mong muốn và hy vọng những người dân trên đảo và khách du lịch khi đến đây luôn có sự hoà đồng và vui vẻ với nhau.
Và hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ có những chỉ đạo tới các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị lữ hành, công ty, doanh nghiệp… cùng nhau đồng lòng, đồng sức xây dựng Phú Quốc.
Tôi nhắc lại mong muốn các nhà đầu tư, khách du lịch, cùng với người dân, cùng nhau góp sức xây dựng Phú Quốc thành thành phố biển đảo có sự phát triển vượt bậc.
chủ tịch phú quốc huỳnh quang hưng
chủ tịch phú quốc
huỳnh quang hưng
phú quốc
thành phố phú quốc
chủ tịch huỳnh quang hưng
WikiPhuquoc – Trang tin tức Đảo ngọc Phú Quốc