Hội tụ đủ yếu tố để trở thành đầu tàu cho ngành du lịch VN, nhưng Phú Quốc đang bị kìm hãm bởi “chiếc áo” quá chật mang tên cơ chế.
Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Kiên Giang diễn ra cuối tháng 7 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần có tầm nhìn để biến đảo ngọc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế. Tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải chỉ để cạnh tranh với các địa phương trong nước, mà còn để cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác.
DANH MỤC
Hụt hơi vì “lớn” quá nhanh
Thực tế, trong khoảng 1 thập niên qua, Phú Quốc đã nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ Chính phủ. Với mục tiêu đưa Phú Quốc thành “quốc đảo du lịch”, thu hút khách quốc tế tới VN, Chính phủ đã dành nguồn vốn ngân sách lớn để đầu tư hạ tầng, hoàn thiện mạng lưới giao thông cơ bản, làm đòn bẩy thúc đẩy du lịch phát triển. Huyện đảo này cũng nhận được rất nhiều cơ chế đặc thù. Đơn cử, Phú Quốc là điểm đến duy nhất tại VN được áp dụng chính sách miễn visa trong vòng 30 ngày cho khách quốc tế. Cácdoanh nghiệp (DN) đầu tư vào hòn đảo này cũng được hưởng thuế thu nhập DN 10% thay vì 20%, thuế thu nhập cá nhân được giảm 50%, miễn thuế VAT tại sân bay… Được sự hậu thuẫn về chính sách, hàng loạt nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược đã đổ vào huyện đảo này một nguồn vốn khổng lồ để hình thành hệ thống hạ tầng du lịch bài bản, sang trọng.
Nếu trở thành thành phố, Phú Quốc sẽ được phát triển quy củ hơn, bình tĩnh hơn, không xô bồ, nóng vội như hiện nay. Đây vừa là tiền đề để Phú Quốc đột phá du lịch, tăng trưởng kinh tế, vừa tạo cơ hội cho vùng đất này đủ khả năng giữ trách nhiệm về an ninh quốc phòng Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
|
Tính đến nay, Phú Quốc đã thu hút 265 dự án với tổng vốn đầu tư 377.000 tỉ đồng, tương đương 16,7 tỉ USD. Trong đó, có 200 dự án triển khai với tổng vốn đầu tư 220.000 tỉ đồng, chủ yếu là du lịch, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí. Tỷ lệ tăng trưởng du lịch từ năm 2015 đến năm 2018 lên tới 141%, trong khi thủ phủ du lịch Đà Nẵng chỉ dừng ở mức 65%.
Du lịch phát triển kéo nền kinh tế Phú Quốc tăng trưởng với tốc độ khá cao. GDP bình quân hằng năm giai đoạn 2010 – 2017 tăng 38,5%/năm, gấp 3,7 lần tốc độ tăng trưởng của tỉnh Kiên Giang và gấp khoảng 6 lần của cả nước.
Tuy nhiên, với một cơ thể lớn quá nhanh, Phú Quốc đang dần bộc lộ nhiều bất cập. Là một DN đang tham gia đầu tư vào Phú Quốc, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, đánh giá du lịch sau thời gian phát triển vượt bậc, Phú Quốc đang hụt hơi. Khách đến Phú Quốc thưa dần, các đường bay quốc tế đến đã vơi, giao dịch đất đai đã chững và đặc biệt, hình ảnh đảo ngọc đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những vấn nạn như ngập, sốt đất ảo hoành hành… Có tới 60% số đơn thư khiếu nại của tỉnh Kiên Giang tập trung tại Phú Quốc, chủ yếu liên quan tới vấn đề đất đai.
Theo ông Sơn, sự hụt hơi này không phải theo chu kỳ lên tới đỉnh thì phải chững lại vì Phú Quốc vẫn đang trên đà phát triển, còn nhiều tiềm năng đang chờ được đánh thức. Đây là hệ quả từ việc bó một cơ thể đang tuổi lớn vào trong một chiếc áo cơ chế quá chật trội, khiến tốc độ tăng trưởng áp lực ngược trở lại vào bộ máy hành chính không đủ năng lực.
“Thu ngân sách của Phú Quốc chiếm tới 50% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Kiên Giang với tỷ lệ phát triển chiếm khoảng 30%. Tổng giá trị đầu tư trung bình cả khu vực nhà nước và tư nhân vào khoảng 25.000 – 30.000 tỉ đồng. Huyện đảo này đang nắm trong tay hơn 22.000 phòng khách sạn, lưu trú. Với toàn bộ kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch đang đặt ra, khối lượng công việc cần làm đang tăng theo cấp số nhân. Điều này là quá sức đối với quy mô của một văn phòng hành chính cấp huyện. Một chiếc áo quá chật thì bục chỉ là điều đương nhiên. Phú Quốc đang hụt hơi vì lớn quá nhanh nhưng quản lý xã hội không theo kịp”, ông Sơn chỉ rõ.
Thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước?
Nhận thức được những bất cập trong bộ máy chính quyền, đầu năm 2019, UBND tỉnh Kiên Giang đã có tờ trình Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở huyện đảo Phú Quốc với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ. Nếu được thông qua, đây sẽ là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước, định hướng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Ủng hộ đề xuất của tỉnh Kiên Giang, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định cần quy chế rõ ràng, đặt yêu cầu quản trị cao hơn về bộ máy để Phú Quốc thật sự phát triển. Theo bà Lan, Phú Quốc hoàn toàn có khả năng trở thành đầu tàu cho ngành du lịch VN.
Về tài nguyên, Phú Quốc không kém gì so với Đà Nẵng, Nha Trang, thậm chí còn có phần hấp dẫn hơn vì vẫn giữ được nét hoang sơ, nguyên vẹn. Nói cách khác, đảo ngọc là ngôi sao đang lên, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế toàn tỉnh, toàn vùng và còn sức để đóng góp tốt hơn nữa cho nền kinh tế cả nước nói chung. Tuy nhiên, muốn Phú Quốc thật sự phát triển mạnh, bền vững, đủ sức cạnh tranh với Phuket của Thái Lan thì không thể tiếp tục bó Phú Quốc trong chiếc áo hành chính cấp huyện.
“Phú Quốc tăng trưởng rất nhanh nhưng hệ thống quản lý không thay đổi và nâng cấp tương xứng. Điều này dẫn đến những hệ lụy liên quan đến kiểm soát môi trường, đất đai. Bộ máy cấp huyện thì trình độ, tâm lý, trách nhiệm sẽ chỉ dừng lại ở cấp huyện. Không ai dám quyết, dám chịu trách nhiệm cho những vấn đề lớn hơn, quan trọng hơn. Nếu trở thành thành phố, Phú Quốc sẽ được phát triển quy củ hơn, bình tĩnh hơn, không xô bồ, nóng vội như hiện nay. Đây vừa là tiền đề để Phú Quốc đột phá du lịch, tăng trưởng kinh tế, vừa tạo cơ hội cho vùng đất này đủ khả năng giữ trách nhiệm về an ninh quốc phòng”, bà Lan nhận định.
Thời gian qua, nguồn lực từ cả nhà nước và tư nhân đã đẩy Phú Quốc cất cánh. Nếu lên tới nửa chừng mà chững lại, sẽ là sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Cởi trói về mặt chính sách, Phú Quốc hoàn toàn đủ tiềm năng để trở thành thành phố biển đảo tiêu biểu, làm động lực phát triển kinh tế của cả khu vực Tây Nam.
Ông
Huỳnh Văn Sơn |