“Ví dụ, dịch bùng trước dịp lễ Tết, các công ty sẽ không gom khách đông thế này. Giờ mọi thứ xong xuôi rồi mà khách báo hủy, mình tốn hết công sức, tài lực. Đợt Tết vừa rồi cũng như thế này”, đại diện một hãng lữ hành lớn trả lời Zing khi được hỏi về tình hình khách hủy tour.
Đây cũng là ý kiến của phía công ty du lịch Best Price. Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của đơn vị nói: “Bộ phận bán hàng bên tôi cũng khổ vì phải nghe điện thoại khách hỏi có được hủy tour không. Dịch bùng lên chỉ sau 2 ngày. Tầm này cứ như đánh úp chúng tôi vậy”.
Theo ông Tú, nhiều khách đang có tâm lý lo sợ, muốn hủy tour dù điểm đến chưa có yếu tố dịch. Điều này thực sự đang làm khó các công ty lữ hành. Nếu muốn nhận được tiền hoàn hủy tour, khách hàng cần chờ có công văn chính thức của nhà nước hoặc các hãng hàng không, khách sạn.
Nhiều du khách lo sợ, muốn hủy tour ở các điểm đến không có dịch. Ảnh: Thanh Đức. |
“Khách bỏ tour thì dở mà đi lại lo. Công ty không hoàn cũng thấy tội khách nhưng lấy tiền đâu ra. Chúng tôi cũng trả hết cho hãng hàng không, khách sạn rồi. Muốn các bên đó hoàn trả phải chờ công văn”, đại diện Best Price nói.
Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng gây khó dễ cho các công ty khi không được đáp ứng yêu cầu hoàn hủy. Ông Tú cho biết từng gặp trường hợp khách hàng kiện lên trên quận vì vấn đề này.
Trong khi đó, chiều 30/4, phía Vietravel cũng ra thông báo chính thức liên quan đến hướng xử lý đối với khách yêu cầu hủy tour, cụ thể là các tuyến đi qua Hà Nam, Hà Nội.
Đối với tour có lộ trình tham quan các điểm thuộc tỉnh Hà Nam, Vietravel đã dừng tổ chức. Đối với tour đang thực hiện, Vietravel sẽ hủy điểm này và thay thế bằng điểm tham quan khác phù hợp với lộ trình tour và thông báo trực tiếp cho khách hàng.
“Tour có lộ trình tham quan Hà Nội vẫn được khởi hành theo lịch trình dự kiến. Vietravel chưa nhận được khuyến cáo hoặc thông báo của cơ quan chức năng về việc tạm ngưng tổ chức tour du lịch. Do đó, khách hàng chủ động hủy tour sẽ được thực hiện theo chính sách phạt, hủy”, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh – Phó Giám đốc Ban Tiếp thị của công ty nói.
Đại diện công ty nói thêm các điểm tham quan tại Hà Nội không nằm trong lộ trình di chuyển của bệnh nhân 2899 và 2911. Do đó, lịch trình tham quan sẽ được giữ nguyên. Công ty sẽ theo dõi tình hình diễn biến của dịch và sẽ có điều chỉnh phù hợp khi phát sinh ca nhiễm khác tại Hà Nội.
Phía Vietravel cũng nhấn mạnh họ đã mua bảo hiểm du lịch trong nước cho tất cả khách hàng đi tour và mở rộng điều khoản liên quan đến Covid-19. Chi phí bồi thường tối đa 60 triệu đồng/người/vụ.
Trong vòng 15 ngày từ khi kết thúc tour, nếu khách phát sinh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, sẽ được bồi thường chi phí điều trị nội trú/ngoại trú tối đa 20 triệu đồng/người/vụ (bao gồm chi phí y tế, vận chuyển dựa theo hóa đơn được trả).
Khách hàng nên bình tĩnh để tìm ra phương án giải quyết hợp lý nhất trong thời điểm này. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Khi được hỏi về phương án giải quyết cho khách hàng trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, một đại diện công ty du lịch lớn ở Hà Nội nói nên đề cao sự cảm thông, chia sẻ.
“Qua mấy đợt dịch, khách sạn, hàng không cũng thiếu thốn lắm rồi. Phải có công văn chính thức từ Chính phủ, họ mới cho hoãn chuyển đổi giai đoạn thôi. Ai chẳng hết tiền rồi. Tiền nhận của khách hàng, họ cũng đưa vào vận hành cả. Không có tiền mà hoàn đâu”, người này nói.
Trong khi đó, đại diện Best Price nói họ sẽ luôn cập nhật thông tin liên quan đến vùng dịch từ Chính phủ. Nếu địa điểm khách tới hoặc ở là vùng dịch, họ sẽ làm việc chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho khách hàng.
“Ở thời điểm hiện tại, các điểm du lịch như Phú Quốc (Kiên Giang), Sa Pa (Lào Cai) hay Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn ở điều kiện bình thường. Chúng tôi chia khách thành nhóm nhỏ để đảm bảo khoảng cách an toàn. Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi đều tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Tú chia sẻ.
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc