Trưa 2/4, một nữ du khách đến từ Hà Nội bắt gặp hàng loạt cảnh sao biển chết khô tại làng chài Rạch Vẹm (Gành Dầu, Phú Quốc). Cô chụp lại ảnh, sau đó chia sẻ trên nhóm du lịch trên Facebook. Bài đăng nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt quan tâm, bình luận và chia sẻ. Phần lớn bình luận thể hiện sự phẫn nộ và lên án hành vi mang sao biển ra khỏi mặt nước để chụp ảnh của nhiều khách du lịch.
Nữ du khách chụp lại bức ảnh và chia sẻ lên hội nhóm, để mong những du khách khác đến Rạch Vẹm sẽ không tiếp tục bắt sao để chụp ảnh. Ảnh: NVCC
Chủ nhân bức ảnh chia sẻ, gia đình cô đến Rạch Vẹm tham quan vì muốn các con tận mắt chiêm ngưỡng sao biển ngoài tự nhiên. Khi tới đây, cô được tài xế taxi chỉ dẫn đến khu vực có nhiều sao biển được xếp hình trái tim để chụp ảnh. Ở đây, cô thấy nhiều sao biển xếp trên bờ, nơi sóng biển không đánh tới, nên chúng cong cứng và đen lại.
“Nhìn thấy cảnh tượng này mình vô cùng bức xúc, có lẽ ai đó muốn có bức ảnh đẹp với sao biển đỏ nên xếp chúng lên đây và để lại đến nỗi chúng cháy khô. Gia đình mình thử cho hai con sao biển chưa cứng xuống nước nhưng có lẽ đã muộn”, cô nói. Cô hy vọng chính quyền địa phương và những người làm du lịch nên cảnh báo du khách không nên tác động đến sao biển hay bất kỳ sinh vật biển nào.
Bức ảnh sau đó được chia sẻ liên tục trên các hội nhóm du lịch khác, thu hút nhiều người quan tâm. Một số người còn tìm tài khoản Facebook cá nhân của những du khách đã chụp ảnh với sao biển ở Rạch Vẹm để công kích và lên án.
Hải Yến, quản trị viên một nhóm du lịch Phú Quốc trên Facebook với hơn 1.400 thành viên, cho biết từ ngày 7/4, sau khi bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội, thành viên trong nhóm liên tục đăng bài để tranh luận.
Cô cho biết từ trước, ban quản trị không bao giờ duyệt những bài viết có hình ảnh du khách cầm, hay xếp sao biển lên bờ chụp ảnh, để không cổ súy cho hành động này. Sao biển ở Rạch Vẹm xuất hiện nhiều nhất từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Những ngày trời nóng và nước trong, chúng dạt nhiều vào gần bờ. Vì vậy du khách có thể chụp ảnh dưới nước nhưng không cầm chúng lên.
Alex Lê, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết đã tới Rạch Vẹm để du lịch vào cuối tháng 3 nhưng không có nhiều sao biển ở gần bờ. Người lái tàu gợi ý tới mũi Hàm Rồng. Tại đây, Alex thấy sao biển bị bỏ vào trong tải lớn. Theo lời người lái thuyền, đây là sao biển do họ bắt và khách có thể xếp ra cát chụp ảnh.
“Việc bắt sao biển lên bờ để chụp ảnh thể hiện ý thức rất kém. Đặc biệt có nhiều người biện minh rằng cần bắt sao biển để chúng không làm hại san hô, đây là hiểu nhầm rất tai hại. Ở Philippines, nơi mình từng sống và đi du lịch, sao biển cũng được nhiều du khách chụp ảnh nhưng không bị bắt lên bờ hàng loạt như vậy”, du khách này nói.
Ở Rạch Vẹm mùa sao biển từ tháng 11 đến tháng 4. Tháng 5, 6 vẫn còn sao biển nhưng không nhiều. Chúng có thể tự di chuyển nhờ các xúc tu và sóng biển.
Khi chụp ảnh, du khách cần chú ý không sờ nắm, cầm sao biển. Ảnh: Caterina/Instagram.
Anh Lê Chiến, Trưởng Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sasa, nhấn mạnh: “Việc sờ nắn, cầm, chạm, bắt sao biển và sinh vật biển lên bờ là vô cùng phản cảm, đang bị lên án mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới”.
Anh cho biết, khi con người chạm vào các sinh vật biển, vi khuẩn và hóa chất từ kem chống nắng, xà phòng… trên tay có thể tấn công trực tiếp vào mô mềm của chúng. Sinh vật chưa từng tiếp xúc và không có hệ thống miễn dịch với vi khuẩn từ con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dù có thể chưa chết ngay. Ngoài ra, sao biển chỉ có khả năng phơi nắng trong một khoảng thời gian nhất định, nên đem chúng lên bờ là vô cùng nguy hại.
Anh Chiến chia sẻ thêm, không phải bất cứ sinh vật biển nào cũng vô hại với con người. Nếu chạm nhầm loài sao biển, con người có thể bị đốt, sốc và tử vong. Chưa kể còn nhiều loài có độc tố khác như ốc cối. “Việc làm này cũng chính là đùa giỡn với mạng sống của mình và người thân”, anh nhấn mạnh.
Sao biển là loài chủ chốt (keystone species) trong hệ sinh thái. Chúng là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là xác thối, động vật thân mềm, cá nhỏ, tảo hoặc mùn bã hữu cơ. Trên thế giới hiện có hơn 1.900 loài sao biển, sống ở tất cả độ sâu của các đại dương. Chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình luân chuyển hữu cơ, vận hành hệ sinh thái mà chúng tồn tại. Vì vậy, việc thiếu vắng hoặc suy thoái của sao biển có thể dẫn đến sụp đổ cả hệ sinh thái dưới biển.
Lan Hương
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc