Số liệu từ các công ty chăn nuôi lớn phía nam và các thương lái mua gom heo khu vực biên giới cho thấy, trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 con heo được
nhập lậu
vào Việt Nam.
Theo số liệu được cung cấp bởi các thương lái, các cửa khẩu An Giang (khu vực Hà Tiên – Tịnh Biên, Châu Đốc…) có khoảng 3.000 con heo “vượt biên” vào trong nước mỗi ngày, Gia Lai (khu vực cửa khẩu Lệ Thanh) trung bình có khoảng 2 xe chở 700 con heo/ngày, Quảng Bình (khu vực cửa khẩu Cha Lo) khoảng 280 con/ngày, Sơn La (khu vực cửa khẩu Chiềng Khương) khoảng 560 con/ngày…
“Tính trung bình có hơn
3.000 con heo
bên kia biên giới đổ về thị trường phía Nam, 2.000 con về thị trường phía Bắc. Đáng lo là Thái Lan vẫn đang
dịch lở mồm long móng
và dịch tả heo châu Phi nặng chứ không phải kiểm soát được 100% như họ nói”, nguồn tin cho biết và nhấn mạnh, lượng heo Thái về Việt Nam đi rải rác khắp cửa khẩu và lối mòn, địa hình rất khó để các cơ quan chức năng kiểm soát hết được.
Một khảo sát thị trường heo nhập tiểu ngạch qua các cửa khẩu trong tuần qua từ một công ty chăn nuôi cho thấy, heo nhập lậu hoặc tiểu ngạch chủ yếu từ Thái, Lào, Campuchia vào Việt Nam. Chẳng hạn, tại khu vực cửa khẩu Bờ Y – Kontum, cách cửa khẩu này khoảng 120km là tỉnh Attapeu, heo Thái thường về đây được bán với giá 25.000 Kíp (đơn vị tiền tệ Lào), tương đương 65.000 đồng/kg, từ Lào qua cửa khẩu có thể thêm 10 giá, lên 75.000 đồng/kg. “Cái khó nhất là hợp thức hóa được heo từ Thái, Lào về nội địa thành heo Việt Nam. Khó cũng phải làm, có cách hết”, một thương lái tại đây khẳng định và từ chối nói rõ “cách” hợp thức hóa quốc tịch heo Thái thành heo Việt thế nào.
Các số liệu trên được khảo sát bởi các công ty chăn nuôi và chính thương lái, có thể chưa đủ đầy. Tuy nhiên, đây là cơ sở để lực lượng chức năng có thể tham khảo để ngăn chặn heo dịch, heo bệnh tràn vào Việt Nam, gây tổn thương thêm cho ngành chăn nuôi.