Đến năm 2025, Phú Quốc sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển, các hộ kinh doanh chợ đêm; cấm hoàn toàn việc nhập về các sản phẩm nhựa dùng một lần.
UBND H.Phú Quốc (Kiên Giang) vừa phối hợp Quỹ bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF – Việt Nam) tổ chức họp mặt các bên tham gia dự án “Phú Quốc – Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa”.
Đại diện Phòng TN-MT H.Phú Quốc cho biết, đến năm 2020, Phú Quốc sẽ ban hành kế hoạch hành động, thành lập ban chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích các doanh nghiệp cam kết cắt giảm rác thải nhựa, 100% đơn vị nhà nước không dùng chai nhựa và ống hút nhựa trong các cuộc họp… Đến năm 2025 sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển, các hộ kinh doanh chợ đêm; cấm hoàn toàn việc nhập về các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Đồng thời, cũng từ năm 2025, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển từ các tàu thuyền trong khu vực đảo, yêu cầu các tàu thuyền du lịch mang rác vào bờ; 80% các khu vực thuộc khu bảo tồn biển Phú Quốc không còn rác thải nhựa…
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H. Phú Quốc, đánh giá tình hình môi trường tại huyện đảo này đang là vần đề nóng, gây bức xúc trong người dân, ngành du lịch…
Theo ông Hưng, hiện nay, mỗi ngày Phú Quốc thu gom được khoảng 200 tấn rác các loại. Tuy nhiên, nhà máy xử lý rác duy nhất trên đảo bị trục trặc máy móc nhiều lần nên đến nay vẫn chưa thể hoạt động theo đúng theo kỳ vọng. Hai bãi rác tạm ở TT.An Thới và xã Cửa Dương nay đã quá tải nên hiện huyện vừa khảo sát thêm một bãi rác thứ 3.
Ông Hưng bày tỏ mong muốn WWF – Việt Nam tiếp tục hợp tác với H.Phú Quốc thực hiện các giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền đến các nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân trong huyện ý thức bảo vệ môi trường. Song song đó, phải có những biện pháp xử lý, chế tài các trường hợp có hành vi xả rác bừa bãi.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Điều phối viên của WWF – Việt Nam, cho biết vấn nạn lớn về ngập rác và ngập úng xảy ra ở từng địa phương không phải chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nó còn xuất phát từ hành vi rất nhỏ của người dân. “Mỗi người dân Phú Quốc phải có ý thức bảo vệ môi trường, mỗi người một hành động nhỏ sẽ góp phần rất lớn giúp cho môi trường Phú Quốc được tốt hơn”, bà Thúy nói.
WWF – Việt Nam cho biết từ khi khởi động dự án đến nay đã có 36 trường học trên địa bàn H.Phú Quốc tham gia, hơn 850 người tham gia lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa; từ tháng 6.2019, H.Phú Quốc có chủ trương không dùng chai nhựa trong các cuộc họp và từ tháng 7.2019, Phú Quốc phát động “Ngày vì môi trường Phú Quốc”.
Theo kế hoạch của WWF – Việt Nam, thời gian tới, dự án sẽ tiếp cận các quán cà phê, nhà hàng sử dụng hạn chế các sản phẩm làm từ nhựa như: không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa…
|