-
15h11DANH MỤC
5 trụ cột phục hồi và phát triển du lịch cho Phú Quốc
Ở phần trình bày tiếp theo, ông Chính đưa ra đề xuất phục hồi du lịch Phú Quốc với 5 trụ cột gồm: sản phẩm du lịch bền vững và an toàn; tiếp thị và truyền thông du lịch hiệu quả; nguồn nhân lực du lịch có tay nghề cao; quản lý điểm đến bền vững và an toàn (về dịch bệnh); chuyển đổi số trong du lịch.
Ở trụ cột đầu tiên, sản phẩm du lịch bền vững và an toàn, ông Chính cho rằng cần có nghiên cứu về thị trường và đánh giá thị trường để tìm ra đúng sản phẩm du lịch. Vị lãnh đạo này gợi ý các doanh nghiệp nên hiểu thị trường. Ông thấy ảnh hưởng của Covid-19 đã làm thay đổi hết những kinh nghiệm mà trước đây ông từng biết về thị trường, cần phải nghiên cứu lại để đưa ra tư vấn, chứ không phải như những gì đã hiểu cách đây 20-30 năm. Ngoài ra các sản phẩm cũng cần điều chỉnh, đánh giá lại để phù hợp với xu hướng mới (nhóm bạn bè,nhóm nhỏ).
Về khía cạnh quảng bá xúc tiến du lịch hiệu quả, ông Chính đề xuất nên làm theo hướng du lịch tiếp thị số. “Phải đi bằng tiếp thị số và ông nhìn nhận các nước xung quanh rất mạnh điều này”, ông nói.
Với trụ cột nguồn nhân lực du lịch có tay nghề cao, cần đào tạo lại và đào tạo mới.
Tiếp theo là trụ cột quản lý điểm đến cần bền vững và an toàn. Cần tăng cường hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc, trở thành tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần, đối thoại và hợp tác công tư, xử lý khủng hoảng khi bùng dịch, sự cố môi trường, tổ chức sự kiện phù hợp với bình thường mới, điều tiết hoạt động du lịch của điểm đến, cải thiện quản lý điểm đến…
Cuối bài phát biểu, ông Chính cho rằng, hạ tầng giao thông Phú Quốc có sự chuyển bến rõ rệt, đặt biệt là sân bay – nơi kết nối thành phố biển với các nơi khác. “Phú Quốc không chỉ cạnh tranh với các điểm đến nội địa, mà còn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… Đặc biệt, cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nước khác trong khu vực”, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch nhấn mạnh. -
15h00Du lịch Phú Quốc gây ngạc nhiên
Tham gia toạ đàm với một bài tham luận dài, chuẩn bị công phu với các vấn đề đặt ra của ngành du lịch thời gian tới, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã dẫn ra nhiều nghiên cứu về tiềm năng du lịch Phú Quốc nhằm xây dựng điểm đến này bền vững, cạnh tranh.
Thứ nhất về tiềm năng du lịch, các tổ chức, nhóm chuyên gia… đánh giá vùng đất này có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo, khám phá thiên nhiên, văn hoá lịch sử.
“Thậm chí Phú Quốc có nhiều tiềm năng gây ngạc nhiên, với người làm trong ngành du lịch 50 năm như tôi. Đơn cử, những vùng đất ngoằn ngoèo đất cát ở các nông trại, trang trại tại đây, hay những quần đảo tổ chức du thuyền, những điểm vui chơi giải trí mới đây.. .được bạn bè quốc tế thích thú”, ông Chính nói.
Các khảo sát cũng cho thấy nhu cầu ẩm thực được khách du lịch đánh giá cao. Phú Quốc đóng góp số lượng khách quốc tế chiếm 5% tỷ trọng khách quốc tế trong cả nước. Số lượng khách du lịch quốc tế đóng góp thu nhập lớn cho ngành du lịch. Dẫn từ khảo sát, trước đây, thời gian lưu trú của khách nội địa năm 2019 là 1,7 ngày, nhưng đến năm 2020 kéo dài 2,2 ngày.
“Không phải điểm đến nào cũng làm được điều này. Các điểm đến, sản phẩm du lịch đã kéo chân khách du lịch, với nhiều đổi mới, biến chuyển”, ông Chính khẳng định.
Thứ hai, về xu hướng du lịch Phú Quốc. Ông Chính dẫn ra khảo sát do TAB phối hợp các trường đại học, báo điện tử VnExpress, dự án SSTP Thuỵ Sĩ thực hiện về xu hướng của du lịch sau dịch. Khi lọc ra trong hơn 1.000 câu trả lời của người quan tâm đến du lịch Phú Quốc, khảo sát cho thấy, người Việt Nam sau dịch có tâm lý muốn du lịch rất sớm, rất nhanh.
Theo ông, khách du lịch ưu tiên về an toàn dịch bệnh hơn cả ưu đãi, giảm giá. “Khách du lịch cũng quan tâm đến các chính sách nới lỏng, huỷ, thay đổi tour, quan trọng hơn cả giảm giá. Đây là lưu ý cho các doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm”, ông nói.
Thứ ba, ông Chính cho biết nhu cầu du lịch biển, thiên nhiên được quan tâm, đặc biệt là nhu cầu khám phá ẩm thực khá cao, đứng thứ hai sau an toàn dịch bệnh. Các doanh nghiệp cần quảng bá cho khách du lịch về ẩm thực ở điểm đến.
Thứ tư, khảo sát cho thấy khách có xu hướng đi ngắn ngày hơn. Đơn cử, với một khách từ Hà Nội có xu hướng 4-5 ngày, đi theo nhóm nhiều hơn. TP HCM có xu hướng ngắn ngày hơn, 2-3 ngày.
“Khách du lịch có xu hướng đi theo nhóm, gia đình, bạn bè nhiều hơn. Các sản phẩm cần xây dựng cho phù hợp”, vị này lưu ý.
Tiếp đến, khách du lịch ngày càng có xu hướng đặt dịch vụ trực tuyến, qua kênh OTA. Điều này đặt ra yêu cầu để các doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số.
-
14h50Phú Quốc là điểm đến phù hợp khi mở cửa trở lại
Tham gia hội thảo qua kênh trực tuyến, theo ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá Phú Quốc là địa phương phù hợp để phát triển du lịch trở lại sau một thời gian dài đóng cửa. Giai đoạn năm 2015-2019, Phú Quốc là một trong những nơi phát triển du lịch hàng đầu. Theo đó, số lượng khách sạn, dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng quy mô lớn, tạo nên trung tâm du lịch đa dạng. Trong đó, riêng Sun Group đã có hơn 20.000 phòng với nhiều dịch vụ sang trọng.
Tổng cục Du lịch Việt Nam rất chú trọng phát triển du lịch Phúc Quốc. Với lợi thế về vị trí và vai trò trong sự phát triển của Kiên Giang, mới đây, Phú Quốc đã đón khách quốc tế với đoàn 200 người từ Hàn Quốc. “Đây là giai đoạn đầu trong quá trình phục hồi du lịch địa phương cũng như cả nước”, vị này đánh giá.
Đại diện cơ quan quản lý ngành du lịch cho rằng các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần triển khai tốt chỉ thị số 128 để mở cửa du lịch an toàn, đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về an toàn. Ông cũng khẳng định Phú Quốc có thể phục vụ du khách trong bối cảnh hiện tại, song song với đó địa phương cần đầu tư chất lượng sản phẩm du lịch trước chương trình đón khách quốc tế.
Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc mở rộng các chương trình để đồng lòng phục hồi du lịch.
-
14h37Kiên Giang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư
Mở đầu hội thảo du lịch “Phú Quốc – Sức sống mới, tiềm năng và cơ hội mới”, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang chia sẻ về thực trạng du lịch Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng từ 2019 đến nay.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, để phát triển du lịch, Kiên giang đã đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tăng cường liên kết với các vùng trọng điểm trong cả nước, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng sản phẩm… nhằm hướng đến Kiên Giang là điểm đến hấp dẫn.
Với tiềm năng của tỉnh, từ 2016-2019, lượng khách đến Kiên Giang tăng bình quân 19%, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, từ khi đại dịch đã tác động hầu hết mọi mặt đời sống, hoạt động du lịch ảnh hưởng lớn, cơ sở lưu trú chuyển đổi chủ hoặc cho thuê, lao động du lịch không tìm được việc làm, công suất phòng thấp, thị trường thứ cấp du lịch trong nước và quốc tế giảm mạnh.
Năm 2021, tổng lượng khách du lịch đến Kiên Giang giảm hơn 44% so với cùng kỳ, khách quốc tế đến chỉ có 3.500 lượt, giảm 98% so với cùng kỳ. Trong khó khăn chung do Covid-19 kéo dài, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó có kích cầu du lịch.
Ông Nhàn thông tin thêm, thành phố Phú Quốc là trọng điểm với 99% dân số tiêm đủ hai mũi vaccine. Mới đây, thành phố đón 204 khách du lịch quốc tế theo diện hộ chiếu vaccine đã tạo cơ hội cho khách đến du lịch sau gần hai năm đóng băng, dự kiến đến tháng 12 có 3 chuyến từ Hàn Quốc, Singapore… đến du lịch, bình quân mỗi chuyến 100-200 khách.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hoạt động du lịch của Kiên Giang và Phú Quốc gặp nhiều khó khăn, việc tổ chức hội thảo với chủ đề “Phú Quốc – Sức sống mới, tiềm năng và cơ hội mới”, vị lãnh đạo đánh giá đây là dấu hiệu tích cực nhằm tìm kiếm cách tối ưu phát triển kinh tế lại đảm bảo phòng chống dịch trong tình hình mới. Vị lãnh đạo tỉnh kỳ vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều hiến kế tìm ra giải pháp khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế sẵn có, hút du khách, khôi phục lại ngành du lịch.
“Chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến đầu tư du lịch ở Kiên Giang, đặc biệt là Phú Quốc”, ông nói.
“Chúng tôi chờ các bạn. Khi các bạn khó, chắc chắn có chúng tôi”, Phó chủ tịch tỉnh gửi thông điệp đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách.
-
14h30Mùa du lịch đẹp nhất trong năm
Phú Quốc đang trong mùa khô (từ cuối tháng 10 đến giữa thàng 5), mùa du lịch đẹp nhất trong năm bởi ít mưa, biển êm, thời tiết mát mẻ, trung bình 27-28 độ C, cực kỳ thích hợp cho nghỉ dưỡng, du lịch. Nếu như 2 năm trước, đến Phú Quốc thời điểm này du khách sẽ chứng kiến sự sôi động các hoạt đông nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí từ cực Bắc đến Nam đảo và thị trấn Dương Đông. Sau gần 2 năm “đóng cửa” cùng cả nước chống dịch, Phú Quốc bắt đầu có nhiều động thái khởi động lại hoạt động du lịch khi là một trong 5 địa phương cả nước được phép đón du khách hộ chiếu vaccine. Và 204 du khách quốc tế hôm 20/11 được chính quyền thành phố đảo ngọc kỳ vọng sẽ góp phần “phá băng” thị trường du lịch, từng bước đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ về kích cầu, hồi phục kinh tế.
Để nhận diện cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới, UBND Thành phố Phú Quốc tổ chức hội thảo: “Phú Quốc – Sức sống mới, Tiềm năng và Cơ hội mới” tại khách sạn New World Phu Quoc Resort, bên bãi Kem xinh đẹp. Sự kiện với sự đồng hành của Tập đoàn Sun Group và phát trực tuyến trên VnExpress.
Khách mời tham dự là lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (qua online), lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Thành phố Phú Quốc, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Phú Quốc như Tập đoàn Sun Group, BIM Group, CEO Group…, các công ty lữ hành, hàng không… Tại đây, các bên sẽ cung cấp thông tin, phân tích bối cảnh thực tiễn tại Phú Quốc trong giai đoạn mới, từ đó, lan tỏa thông điệp tích cực tới những người yêu du lịch Việt, nhà đầu tư tiềm năng; kêu gọi ủng hộ du lịch, cùng Việt Nam vượt qua những ngày tháng khó khăn để hồi phục kinh tế.
Tọa đàm xoay quanh bốn chủ đề chính: thách thức và cơ hội cho du lịch Phú Quốc trong bối cảnh bình thường mới; chiến lược phát triển tập trung để tận dụng tiềm lực nội tại; sự hỗ trợ của doanh nghiệp về sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng văn hóa, lịch sử địa phương. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đưa ra một số đề xuất về chương trình kích cầu, gói sản phẩm du lịch kết nối các điểm đến hấp dẫn để hợp tác với địa phương trong quá trình phục hồi ngành.
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc