WikiPhuQuoc – Tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc quá “nóng”, khiến nhân lực phục vụ cho ngành này đang thiếu trầm trọng.
Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết kể từ khi có sân bay quốc tế, có điện lưới quốc gia từ đầu năm 2014 đến nay, tốc độ tăng trưởng du lịch của Phú Quốc tăng “chóng mặt”.
Thiếu nhân lực nghiêm trọng
Liên tục các khu nghỉ dưỡng 4 sao, 5 sao của các tập đoàn lớn như: Vingroup, Sun Group, CEO, BIM… được đưa vào hoạt động với công suất hàng ngàn phòng lưu trú mỗi nơi đã đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm du lịch tăng vọt.
Chưa kể, ngoài những resort 4 – 5 sao nói trên, hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ cũng đua nhau mọc lên ở Phú Quốc càng khiến tình trạng khan hiếm nhân sự làm du lịch trở nên gay gắt.
Ghi nhận thực tế cho thấy các cơ sở dịch vụ du lịch chia 3 ca để thuê nhân viên. Ca 1 từ 6h – 14h, ca 2 từ 14h – 22h và ca 3 từ 22h – 6h sáng hôm sau. Việc chia ca làm trong ngày đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người làm lao động thời vụ cho các khách sạn, nhà nghỉ.
Chị Trần Thị Thu (47 tuổi, quê ở Tiền Giang) cho hay mình cùng gia đình tới đảo Phú Quốc đã 4 năm. Mỗi ngày, chị Thu cùng em và con gái chia ra dọn phòng cho 3 khách sạn. Mỗi nơi trả thù lao 3 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi tháng 1 người được khoảng 9 triệu đồng.
“Mình lớn tuổi, không có ngoại hình nên chia giờ đi dọn phòng. Còn mấy cháu trẻ tuổi, lanh lẹ, có trình độ, ngoại hình ưa nhìn thì mỗi ngày trực lễ tân 2 ca cũng có thu nhập hơn chục triệu. Dù không ổn định và ít đãi ngộ nhưng bù lại thu nhập khá hơn so với lúc ở quê làm ruộng” – chị Thu chia sẻ.
Từ một điểm đến bị than thiếu phòng những năm 2013-2014, hiện nay Phú Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển “thần tốc” của du lịch, dịch vụ và đặc biệt là cơ sở lưu trú, khách sạn 4-5 sao với cả ngàn phòng mỗi năm.
Chính sự phát triển quá nóng này mà Phú Quốc đang hút một lượng nhân sự lớn từ các địa phương khác đổ về, nhân sự dù ở cấp nào cũng được săn đón quyết liệt. Rất nhiều nhà điều hành khách sạn, kể cả những khách sạn sắp khai trương thừa nhận đang rơi vào tình trạng vất vả chuẩn bị nguồn nhân lực, tuyển dụng rồi đưa đi đào tạo nghiệp vụ nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Nhiều nhân lực cần được đào tạo lại
Trong số các nhân viên được cử đi đào tạo lại, tỉ lệ sử dụng chỉ được khoảng 70%. 30% còn lại rơi rớt dần vì không phù hợp hoặc không đạt tiêu chuẩn của ngành. Các doanh nghiệp phải sử dụng lao động dưới chuẩn của mình hoặc thuê mướn lao động của Singapore, Philippines, Malaysia… kéo chi phí lên cao.
“Với tình trạng nhân lực mong manh như hiện nay, nếu lượng khách đột ngột tăng cao thì chưa chắc đã đem lại hiệu quả kinh doanh tương ứng bởi chi phí tăng thêm rất cao, đặc biệt là chi phí cho nguồn nhân lực”, phụ trách buồng phòng của một khách sạn 4 sao ở Phú Quốc cho biết.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, nhân sự trong ngành du lịch hiện thiếu trầm trọng gần như ở tất cả khâu từ nhân viên lễ tân đến quản lý khu vực F&B và ngay cả hướng dẫn viên, khiến việc phát triển các dòng tour cao cấp phải cân nhắc dù Phú Quốc đang được biết là thiên đường nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Minh Bảo, giám đốc điều hành Tugo, cho biết do thiếu nhân sự chất lượng tốt nên bản thân các công ty lữ hành khi thiết kế các gói tour cao cấp cũng phải tính rất kỹ. Với các chùm tour cao cấp, nhân sự đóng một vai trò rất quan trọng, các khách hàng tour cao cấp có những đòi hỏi trải nghiệm riêng, thật sự đẳng cấp. Vì vậy bên cạnh các dịch vụ chất lượng 5 sao họ cũng đòi hỏi hướng dẫn viên chuyên nghiệp, đội ngũ phục vụ có trình độ xử lý tình huống tốt.
Theo ước tính từ Tổng cục Du lịch, lượng học sinh – sinh viên ra trường hằng năm nằm trong khoảng 15.000 nhân lực phục vụ ngành du lịch, con số còn khiêm tốn so với nhu cầu lớn ước tính từ thị trường.
Ngoài ra, theo đánh giá chung hiện nay của các nhà tuyển dụng, ước tính chỉ khoảng 65-70% nguồn nhân lực tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, chưa kể một tỉ lệ học sinh – sinh viên được đào tạo ra trường lựa chọn làm việc trong các nhóm ngành kinh tế khác. Điều này gây nên khó khăn lớn cho các nhà tuyển dụng và các trường đào tạo, nguồn cung chưa đáp ứng được cầu.
Giữ chân nhân viên bằng… chỗ ở!
Tại đảo Phú Quốc, do có đặc thù là hầu hết lao động đều từ nơi khác tới, nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng ký túc xá để nhân viên yên tâm làm việc. Những khu nghỉ dưỡng mới hoạt động vài năm trở lại đây đều dành quỹ đất để xây nhà cho nhân viên ở. Tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng của Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc (thuộc Tập đoàn Sun Group) ở thị trấn An Thới, có 1 khu ký túc xá cho hàng ngàn nhân viên ở miễn phí.
Ở đây chia ra nhiều loại phòng. Phòng tập thể 4 người/phòng cho nhân viên bình thường, phòng 2 người cho nhân viên cấp tổ phó trở lên, nhân viên quản lý thì mỗi người 1 phòng. Những người đã lập gia đình sẽ được bố trí ở trong căn hộ có phòng khách riêng, phòng ngủ riêng. Người ở chỉ cần trả chi phí điện, nước, còn lại đều được doanh nghiệp đài thọ.
Tập đoàn Vingroup với hệ thống nghỉ dưỡng Vinpearl cũng đầu tư xây dựng ký túc xá khang trang để nhân viên ở. Anh Nguyễn Thành Nam – nhân viên làm việc ở Vinpearl, quê ở tỉnh An Giang – nói rằng việc được tạo điều kiện ăn ở đã kéo anh đến làm việc tại Vinpearl Phú Quốc hơn 5 năm nay.
Thay đổi cách đào tạo
Ông Nguyễn Quang – chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam – cho biết tình trạng thiếu nhân sự trong ngành dịch vụ khách sạn, đặc biệt bộ phận buồng phòng, diễn ra nhiều năm qua. Thực tế, rất nhiều khách sạn đang chấp nhận tuyển những nhân sự không có kỹ năng hay được đào tạo chuyên nghiệp để làm việc. Việc nhận lao động chưa tốt nghiệp THPT, lao động cao tuổi để đủ người làm khá phổ biến và đang đẩy các khách sạn vào một vòng luẩn quẩn trong việc quản lý chất lượng dịch vụ khách sạn.
Ở những vị trí cao hơn, các khách sạn cũng đối mặt với thách thức ứng dụng công nghệ cao, hạn chế về giải pháp công nghệ do sự thiếu hụt nhân lực lẫn tài lực, trong khi nếu biết cách ứng dụng công nghệ mới, khai thác sở thích của từng cá nhân, tạo cảm giác quan tâm chu đáo thì sẽ kéo chân du khách quay lại.
PGS.TS Phạm Trung Lương – nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – cũng cho rằng một trong những điểm nghẽn của du lịch VN hiện nay chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện các cơ sở đào tạo cho ngành này đều đã có nhưng chương trình đào tạo thiếu thống nhất, nhỏ lẻ. Ngay cả chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho du lịch, VN cũng có nhưng không đụng đến, các doanh nghiệp vẫn phải là người tự tuyển dụng rồi đào tạo lại.
Theo ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp, người Thái làm du lịch tốt không chỉ vì họ biết mỉm cười mà luôn có thái độ hòa nhã với khách. Do đó, để góp phần thu hẹp khoảng cách cung cầu thị trường nhân sự du lịch hiện nay cần giải quyết một số bất cập trong chương trình đào tạo là cần tập trung vào kỹ năng du lịch, ngoại ngữ và đặc biệt là thái độ với khách du lịch.
Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, cho rằng cần tính toán việc thành lập trường chuyên về du lịch vì đã xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thì có thể quy hoạch một số trường đại học có các khoa du lịch làm nòng cốt cho vùng (tập trung chủ yếu tại các thị trường có du lịch phát triển) để phân bổ và quy hoạch nguồn lực, đầu tư cho các khoa du lịch trở thành trường thí điểm.
Đào tạo tại doanh nghiệp
Ông Phạm Xuân Hải, phó giám đốc điều hành Sài Gòn – Phú Quốc resort & spa, cho biết liên tục từ năm 2014 đến nay, nơi này đều tiến hành đào tạo nghiệp vụ buồng, phòng, lễ tân, bếp, nhà hàng… cho hàng trăm nhân viên. Thời gian đầu mới tự đào tạo cho nhân viên, mỗi năm resort Sài Gòn – Phú Quốc bị mất khoảng 20-30% số lao động. Nguyên nhân là những người này “nhảy việc” sang các resort, khách sạn mới mở.
Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết vài năm trở lại đây mô hình “đào tạo tại doanh nghiệp” đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. “Theo mô hình này, các trường nghề chỉ cần đào tạo kiến thức theo yêu cầu chung tới một mức độ nào đó rồi giao cho các doanh nghiệp làm phần việc còn lại gắn với thực tế” – ông Nghiệp nói.
Các doanh nghiệp lớn trên đảo Phú Quốc như Vinpearl Phú Quốc, JW Mariott đều đã và đang áp dụng mô hình nói trên. Tham gia các chương trình đào tạo kiểu này, học viên ngoài việc có kinh nghiệm thực tế còn được trả lương, ra trường có việc làm ngay.