“Bạn bè mua vé sớm từ cuối năm 2020 mà giá đã lên tới hơn 6 triệu đồng khứ hồi TP.HCM – Hà Nội nên những đứa đặt vé muộn giống mình cũng như ngồi trên đống lửa. Nhưng không ngờ rằng gần Tết giá vé máy bay lại rẻ đi nhiều đến thế”, Phượng Loan, sinh viên đang trú tại quận 3, TP.HCM chia sẻ.
Theo cô sinh viên quê Hòa Bình, khi thấy vé Tết giảm dần từ 6 triệu đồng xuống còn 5, rồi 4 triệu, thậm chí có thời điểm chỉ còn 3 triệu đồng, cô quyết tâm chờ tới khi giá vé “xuống đáy” sẽ đặt mua.
“Mỗi ngày mình đều kiểm tra giá vé một lần, khi nào giá vé nhích nhẹ lên mình sẽ mua ngay. Thực sự bất ngờ vì chưa năm nào mình thấy giá vé máy bay về quê ăn Tết lại rẻ như thế này. Cứ như đi mua đào chiều 30 Tết vậy, càng chờ càng rẻ”, Loan nói
Giá vé máy bay Tết Tân Sửu thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đặt vé sớm rồi trả vé
Trong tháng 1, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành miền Bắc, giá vé máy bay khứ hồi trên “trục vàng” TP.HCM – Hà Nội cao điểm Tết 2021 đã giảm giá mạnh. Điều này khiến những hành khách đặt vé sớm lại phải trả mức giá vé cao hơn hàng triệu đồng, một điều ít gặp trong ngành hàng không.
Xu hướng giá vé “lạ” dịp Tết Nguyên đán 2021 cũng khiến nhiều hành khách lựa chọn phương án chờ vé tiếp tục rẻ đi để chuyến về quê ăn Tết tiết kiệm nhất có thể.
“May mà tôi không mua vé bay ra Bắc sớm mà chờ tới tận đầu tháng 2. Chưa Tết nào tôi mua vé muộn mà lại rẻ như thế này, tính ra tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng mỗi vé so với đặt vé sớm, cả nhà 4 người đã là 12 triệu đồng rồi”, chị Thy Vân – nhân viên văn phòng một doanh nghiệp tại quận 1, TP.HCM – cho biết.
Trong khi nhiều người lao động xa quê tại TP.HCM quyết định ở lại, không về quê ăn Tết khi dịch bệnh đang diễn biến khó lường, những hành khách lựa chọn bay ra Bắc đón Tết cũng tiết kiệm được nhiều chi phí nhờ giá vé máy bay rẻ.
Trong tháng 1, theo khảo sát của Zing, giá vé khứ hồi trên trục vàng TP.HCM – Hà Nội khởi hành ngày 10/2 (29 tháng Chạp năm Canh Tý) và trở lại vào ngày 16/2 (5 tháng Giêng năm Tân Sửu) liên tục giảm mạnh, có thời điểm giá vé giảm một nửa so với thời điểm đặt vé cuối tháng 12/2020.
Cụ thể, nếu đặt vé vào đầu tháng 1, mức giá vé rẻ nhất mà hành khách có thể mua là 5,7 triệu đồng đã bao gồm thuế phí với chuyến bay của Vietjet Air, hoặc 5,9 triệu đồng với chuyến bay của Pacific Airlines.
Chỉ sau một tháng, giá vé chặng bay trên có thời điểm chỉ còn 2,5 triệu đồng với chuyến bay từ Vietravel Airlines, trong khi các hãng hàng không giá rẻ khác cũng đưa ra giá vé chỉ ở mức 3 triệu đồng.
Tới đầu tháng 2, khi lượng đặt vé có sự cải thiện, giá vé máy bay Tết mới có dấu hiệu nhích lên. Theo thống kê từ Cục Hàng không, số chuyến bay thực hiện ngày 3/2 (22 tháng Chạp) là 524 chuyến (kế hoạch là 909 chuyến) với 70.000 hành khách, giảm 83 chuyến bay so ngày 2/2 và chỉ bằng khoảng 80% lượng chuyến bay ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý 2020.
Sau giai đoạn tháng 1 gặp khó trong việc lấp đầy các chuyến bay, hàng không Việt đang ghi nhận phục hồi về lượng khách cũng như giá vé trong những ngày cận Tết. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phải đến ngày 5/2, tình hình mới được cải thiện với việc các hãng hãng hàng không Việt Nam khai thác 643 chuyến bay và lượng vận chuyển dự kiến khoảng 85.400 khách, tăng 15.400 khách so với ngày 4/2. Cục Hàng không dự kiến ngày 6/2, tổng số chuyến bay của các hãng là 746 chuyến bay với tổng số khách đạt xấp xỉ 104.000 khách.
Cũng từ thời điểm 5/2, giá vé cao điểm Tết trên trục TP.HCM – Hà Nội mới nhích tăng trở lại. Tại thời điểm ngày 7/2, Pacific Airlines là hãng bay có giá vé rẻ nhất trên chặng bay này, ở mức 3,3 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí. Kế đến là Vietravel Airlines với giá vé 3,5 triệu đồng, Vietnam Airlines ở mức 4,6 triệu đồng, Vietjet Air là 5 triệu đồng và Bamboo Airways là 5,4 triệu đồng.
Mức giá này tiếp tục duy trì trong ngày 8/2 và chưa rõ xu hướng trong những ngày giáp Tết. Trung bình giá vé đã tăng trung bình khoảng 500.000 đồng cho mỗi vé khứ hồi chỉ trong vài ngày.
“Mình rình mua vé nên cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý vé có thể bật tăng giá bất ngờ, nhưng khả năng này là không cao nên quyết tâm chờ đến khi vé rẻ nhất có thể”, Phượng Loan chia sẻ.
“Ngay ngày 6/2 khi thấy giá vé bắt đầu có dấu hiệu tăng giá, mình đã đặt mua ngay một cặp vé khứ hồi với tổng chi phí 3 triệu đồng. Chưa bao giờ mình mua vé sát giờ và mua kiểu ‘rình rập’ như thế này mà lại tiết kiệm được nhiều như vậy so với Tết năm ngoái”, cô sinh viên tại quận 3 (TP.HCM) nói.
“Nếu một sáng thức dậy vé bật tăng lên 4 triệu hay 5 triệu đồng mình cũng chấp nhận thôi, vì như vậy vẫn rẻ hơn giá vé Tết năm ngoái. Liều một chút nhưng mua được vé rẻ về quê nên thấy rất vui”, Loan nói thêm
Cục Hàng không đánh giá mặc dù vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc đi lại bằng đường hàng không, với xu thế tăng trong hôm nay và mấy ngày tới, có thể thấy hành khách vẫn coi vận tải hàng không là phương tiện giao thông an toàn và thuận tiện để phục vụ nhu cầu đi lại của mình trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO), nhiều chặng bay từ Hà Nội, TP.HCM trong những ngày áp Tết đang có tỷ lệ lấp đầy từ 80% đến hơn 95%.
Vietnam Airlines cũng cho biết các chặng bay nhộn nhịp nhất là từ TP.HCM đi các tỉnh, thành ở miền Bắc, miền Trung phục vụ người dân về quê sum họp cùng gia đình và từ Hà Nội đi các thành phố du lịch phía Nam như Phú Quốc, Nha Trang… Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu bay Tết của người dân đang diễn biến tích cực và ổn định.
Cụ thể, các chặng bay có tỷ lệ đầy chỗ cao trong một số ngày bay cao điểm nhất bao gồm TP.HCM – Vinh (85%), Thanh Hóa (88%), Cam Ranh (87%), Buôn Ma Thuột (93%); Hà Nội – Đồng Hới (96%), Huế (93%), Phú Quốc (89%)… Hành khách tập trung bay chủ yếu trong các ngày 5, 6, 7, 8/2 (tương ứng 24, 25, 26, 27 tháng Chạp), vào các khung giờ đẹp như giữa buổi sáng hoặc đầu giờ chiều.
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc