Ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong thời gian qua, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc buộc phải đóng cửa. Chính vì vậy, kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) được kỳ vọng là một bước tiến lớn để phục hồi ngành du lịch sau 2 năm khó khăn vì dịch Covid-19.
Liên quan đến kế hoạch này, Zing đã trao đổi với ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh việc mở cửa trở lại không thể thực hiện nóng vội mà cần được cân nhắc cẩn trọng, có lộ trình cụ thể và những điều chỉnh kịp thời để phù hợp với điều kiện thực tế của các loại hình doanh nghiệp khác nhau.
DANH MỤC
Bài học thành công tại châu Âu
Ông Mauro Gasparotti cho biết trong thời gian qua, một số quốc gia châu Á đã xúc tiến triển khai các kế hoạch mở cửa, bao gồm các đề xuất thử nghiệm “bong bóng du lịch”. Tuy nhiên sau nhiều lần trì hoãn, việc triển khai chương trình này trở nên không khả thi.
Trái lại, các quốc gia châu Âu đã đánh dấu sự khôi phục của hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ hè vừa qua nhờ vào việc đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, Định hướng của Chính phủ về việc mở cửa trở lại là một bước đi cần thiết trong quá trình khôi phục của ngành du lịch.
“Tuy nhiên, hệ sinh thái du lịch bao gồm các hoạt động lữ hành, lưu trú, hàng không, dịch vụ ăn uống, giải trí… cần có thời gian để thiết lập lại liên kết giúp hoạt động vận hành dần được trơn tru trở lại. Việc đề xuất triển khai thí điểm tại Phú Quốc trong thời gian tới là một khởi đầu tốt trong việc chào đón khách quốc tế quay trở lại Việt Nam”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Savill Hotels APAC. |
Cá nhân chuyên gia này nhận định, nếu chỉ mới triển khai cho một địa điểm là Phú Quốc và chỉ đánh giá sự thành công của việc mở cửa trên góc độ doanh thu đem lại cho ngành du lịch thì chưa đầy đủ, do lượng khách dự kiến từ chương trình thí điểm này vẫn còn hạn chế.
Tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc triển khai chương trình thí điểm cho nhiều địa phương hơn nữa, và tiến dần đến mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch trên cả nước vào thời điểm thích hợp
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương
Tuy nhiên nếu việc thí điểm này được triển khai sẽ giúp minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong việc từng bước nối lại các hoạt động du lịch quốc tế.
“Tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc triển khai chương trình thí điểm cho nhiều địa phương hơn nữa, và tiến dần đến mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch trên cả nước vào thời điểm thích hợp. Các địa phương đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và có cơ sở hạ tầng y tế đầy đủ nhằm đảm bảo được sự an toàn cho người dân địa phương và du khách là những điểm đến tiềm năng nên được xem xét”, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương đề xuất.
“Bong bóng du lịch” dựa vào tiêm chủng
Ông cũng tin rằng các chương trình “bong bóng du lịch” là một phần quan trọng trong quá trình mở cửa trở lại các hoạt động du lịch. Chương trình này sẽ giúp đánh giá sơ bộ hiệu quả của việc mở cửa trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng ở mức độ rộng lớn hơn.
Dẫn chứng, ông Gasparotti cho biết Thái Lan đã sớm triển khai chương trình này và hiện nay Indonesia cũng đang cân nhắc mở cửa trở lại một số hòn đảo để chào đón du khách quốc tế.
“Số lượng ca nhiễm gia tăng tại địa phương sẽ một phần nào đó khiến du khách e ngại khi tham gia các hoạt động tham quan và từ đó cũng sẽ cản trở việc hoạt động của một số dịch vụ kinh doanh như nhà hàng, bán lẻ…, làm giảm bớt tính hấp dẫn của điểm đến”, chuyên gia này phân tích.
Lãnh đạo Phú Quốc cho biết sẽ xin thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vaccine có 90% người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Vì vậy, ông cho rằng hiệu quả của chương trình “bong bóng du lịch” còn phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng và khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh tại điểm đến.
“Một số quốc gia châu Âu đang cho thấy chiến dịch triển khai tiêm chủng đã giúp số ca nhập viện giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta vẫn cần chờ thêm các nghiên cứu y tế về hiệu quả của việc tiêm chủng đối với việc kiểm soát đại dịch”, ông Gasparotti dẫn chứng thêm.
Trong mùa hè vừa qua, các quốc gia châu Âu là nhóm những nước đầu tiên mở cửa biên giới cho khách du lịch. Theo thống kê của STR, những tháng cao điểm của mùa hè đã giúp cải thiện hoạt động của các khách sạn tại châu Âu, giúp thu hẹp khoảng cách với giai đoạn trong đại dịch.
Cụ thể, doanh thu theo phòng (RevPar) vào tháng 8 vừa qua bằng 53% giai đoạn cùng kỳ năm 2019.
Ngược lại, khu vực Đông Nam Á vẫn ghi nhận doanh thu theo phòng giảm 71,% so với năm 2019 do các thị trường du lịch hàng đầu bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam tiếp tục đóng cửa đối với du lịch quốc tế.
Cân nhắc áp dụng hộ chiếu vaccine
Hiện nay, vaccine được xem là giải pháp giúp hạn chế rủi ro nhập viện trong trường hợp du khách bị lây nhiễm trong thời gian du lịch. Bên cạnh yêu cầu về vaccine, một số địa điểm du lịch còn áp dụng các yêu cầu khác đối với du khách quốc tế như có kết quả xét nghiệm âm tính trước chuyến bay hoặc xét nghiệm ngay tại điểm đến,… giúp phần nào hạn chế rủi ro lây nhiễm.
“Cá nhân tôi nhận thấy Việt Nam nên sớm chấp nhận hộ chiếu vaccine như một số quốc gia khác đang thực hiện. Việc này nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi du khách nhập cảnh, từ đó góp phần hỗ trợ hoạt động du lịch sớm phục hồi trong thời gian tới”, ông Gasparotti khuyến nghị.
Quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng sẽ không thể thực hiện một cách nóng vội mà cần có lộ trình, song hành với tốc độ tiêm chủng và khả năng kiểm soát dịch bệnh
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương
Đối với thị trường du lịch nội địa, ông cũng đề xuất các cơ quan Nhà nước có thể thử nghiệm cho phép nhà hàng, khách sạn được phục vụ trở lại khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ để làm một phép thử cho việc dần khôi phục các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, điều này giúp tạo tiền đề cho ngành du lịch nội địa sớm trở lại để khai thác được nguồn cầu dồi dào sẵn có tại Việt Nam.
Các cơ sở lưu trú và công ty lữ hành tại đảo ngọc đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách du lịch trở lại. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Tôi tin rằng quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng sẽ không thể thực hiện một cách nóng vội mà cần có lộ trình và phải song hành với tốc độ tiêm chủng và khả năng kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam có thể quan sát, tham khảo kết quả thử nghiệm mở cửa của các quốc gia khác trong khu vực để điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế”, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương khẳng định.
Ông đánh giá chương trình đề xuất mở cửa du lịch tại Phú Quốc có thể xem như một bước thí điểm với quy mô nhỏ, nhưng là cần thiết để làm tiền đề cho việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trên quy mô cả nước. Chương trình cũng sẽ giúp truyền tải thông điệp rằng Việt Nam đang thực hiện từng bước để mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động du lịch quốc tế.
“Chúng ta có thể quan sát điều này từ đất nước láng giềng khi thủ đô Bangkok cũng đang có kế hoạch mở cửa trở lại. Việt Nam có thể học hỏi từ chiến lược này, khi đây cũng là một bước tiến quan trọng để mở cửa trở lại TP.HCM khi tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao”, vị chuyên gia nói.
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc