Dinh Cậu không chỉ là nơi người dân thường đến để cầu bình an, mưa thuận gió hòa cho những chuyến đi biển… mà còn là địa điểm tham quan mà du khách không thể không tới khi đặt chân đến Phú Quốc.
Mới đây, Ban quản lý Dinh Cậu (H.Phú Quốc, Kiên Giang) vừa cho xây dựng lại và mở rộng một cầu dẫn bằng đá rất đẹp dẫn đường lên dinh. Cuối lối đi này, ngay dưới chân những bậc thang dẫn lên dinh có 1 bảng đá kích thước khoảng 40×40 cm, trên đó có khắc 2 chữ “Ngô Kiều”. Bảng đá này khiến không ít du khách thắc mắc và có những hiểu lầm đáng kể. Phía trên còn có một bảng đá khác kích thước tương tự khắc chữ “Huyện Chiêu 1920”.
Chiều 27.8, một nhóm khách du lịch từ miền Trung đã nêu thắc mắc rằng 2 chữ “Ngô Kiều” trên bảng đá kia là gì, liệu có phải là tên của người đã tài trợ tiền xây dựng dinh hoặc cầu dẫn vừa làm xong? Trước câu hỏi của nhóm du khách, chúng tôi đã đến hỏi một vị đang trông coi dinh nhưng vị này cũng không biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Phước Huệ, Trưởng ban Quản lý di tích Dinh Bà, Dinh Cậu, nói rằng theo ông được biết thì vào khoảng năm 1920, Dinh Cậu nằm ở trên một mỏm đá tách biệt với phần đất đảo bên trong. Khi đó, ông Ngô Minh Chiêu, Quận trưởng Phú Quốc lúc bấy giờ đã cho dựng một cây cầu nhỏ bằng gỗ để người dân tiện vào dinh cúng viếng. Đến thập niên 60, một nhóm người là tín đồ của Dinh đã sửa sang lại cây cầu này và có đắp một bảng bằng xi măng và khắc 2 chữ “Ngô Kiều” để tưởng nhớ đến ông. Ngô là họ ông Ngô Minh Chiêu, Kiều nghĩa là cầu.
Mới đây, khi Ban quản lý Dinh Cậu tu sửa cầu dẫn này thấy bảng xi măng cũ bị mờ và bị mẻ một góc nên đã làm một bảng bằng đá rõ hơn đặt kế bên bảng cũ, và chính bảng này đã làm cho du khách hiểu lầm vì nó xuất hiện khi công trình cầu dẫn hoàn thành. “Chúng tôi là người ở thế hệ sau, thấy được công sức của những người đi trước nên cố gắng làm thêm cho tốt đẹp hơn nên có sửa sang đôi chút, chủ yếu là ghi nhận công ơn của người đi trước”, ông Huệ nói.
Trước thông tin bảng đá này gây hiểu lầm cho du khách, ông Huệ cho biết sẽ tháo dỡ ngay. Theo ghi nhận của chúng tôi, bảng đá đã được tháo dỡ vào trưa cùng ngày 28.8.
Theo tài liệu ông Huỳnh Phước Huệ cung cấp, Dinh Cậu được xây dựng từ giữa thế kỷ 17, khi có cư dân vùng Thuận Quảng theo dòng phương Nam tiến tới đảo lập nghiệp. Dinh Cậu được trùng tu lần đầu (thay vách gỗ bằng tường đá, vôi và dầu ô dước) vào năm 1937.
Năm 2012, Dinh Cậu được Sở VH-TT-DL tỉnh Kiên Giang chính thức công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.