Nhằm lập lại trật tự đô thị khu vực chợ Dương Đông (H.Phú Quốc, Kiên Giang), lực lượng chức năng tiến hành di dời 14 sạp hàng hóa phía trước khu chợ bách hóa nhưng gặp phải sự phản đối quyết liệt của các tiểu thương.
DANH MỤC
Phản ứng gay gắt vì về chỗ cũ bán ế
Ngày 26.8, hàng chục tiểu thương đã tập trung lại vị trí các lực lượng chức năng đang tiến hành di dời để phản đối, cho rằng chính quyền và Ban quản lý (BQL) chợ Dương Đông (H.Phú Quốc, Kiên Giang) đã “áp bức” họ, làm ảnh hưởng đến việc làm ăn yên ổn của họ suốt nhiều năm nay. Trước sự phản ứng này, các lực lượng chức năng đành “án binh bất động”.
Bà Phạm Thị Hạnh (60 tuổi) cho biết bà đã buôn bán ở chợ này hơn 20 năm. Khi làm chợ xong thì các tiểu thương được bố trí bán tại khu chợ nông sản ở phía sau khu bách hóa và phải đóng cho công ty chủ quản 15 triệu đồng mỗi gian hàng. Tuy nhiên, do đường vào khu chợ nông sản quá chật hẹp dẫn đến không buôn bán được nên bà con xin BQL chợ ra bán tại vỉa hè trước khu bách hóa với giá thuê 10.000 và 20.000 đồng/ngày (tuỳ hộ), nhưng bán được khoảng 6 năm thì nay lại bị buộc di dời.
Bà Hạnh bức xúc cho rằng BQL chợ di dời khu vực bà đang bán để cho các hộ bán bánh đối diện dời qua với mục đích làm cho 8 căn ki ốt đối diện trống trải để nhà đầu tư bán các căn ki ốt đó. Bà mong muốn được yên vị bán tại vị trí hiện tại và cam kết không vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, tuân thủ các quy định của BQL chợ như từ trước đến nay vẫn tuân thủ.
Chị Nguyễn Thị Hiền (37 tuổi) cũng đã buôn bán ở chợ này 20 năm nay vô cùng bức xúc về việc di dời chỗ bán. Chị cho rằng nếu dời vào khu nông sản sẽ không bán được vì dọc đường Ngô Quyền có một số tiểu thương thuê nhà dân bên đường để kinh doanh, mà mặt hàng kinh doanh của họ cũng là nông sản nên không ai chịu vào khu nông sản mua hàng.
Sẽ đối thoại với tiểu thương lần nữa
Ông Nguyễn Quang Mãi, Giám đốc công ty TNHH MTV Nam Dương (Công ty Nam Dương) – đơn vị xây dựng và quản lý chợ Dương Đông, cho biết trước đây có bố trí các hộ tiểu thương này vào khu nông sản, nhưng do vào đó bán ế quá nên họ xin ra chỗ này bán và được công ty chấp nhận cho bán tạm.
Tuy nhiên, ông Mãi xác nhận việc thu tiền mặt bằng hàng tháng là tiền thuê của các gian hàng trong khu nông sản, còn tiền 15 triệu đồng mà tiểu thương nói trên là tiền ký quỹ, khi nào tiểu thương ngưng kinh doanh sẽ được công ty hoàn trả lại. Mọi khoản thu đều được kế toán theo dõi, có phiếu thu đầy đủ. “Giờ thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị của huyện mà chợ nằm trong các vị trí cần phải chỉnh trang nên phải chấp hành”, ông Mãi nói.
Còn tiểu thương phản ánh việc di dời này nhằm phục vụ lợi ích riêng của Công ty Nam Dương là bán 4 căn ki ốt còn lại ở phía đối diện, ông Mãi khẳng định không có việc này. “Hiện tại, đường vào khu nông sản đã được mở rộng và thông thoáng nên các tiểu thương này phải vào đó bán theo đúng quy hoạch ban đầu. Còn việc 13 hộ bán bánh bên kia dời qua vị trí trước khu bách hoá cũng đã được UBND H. Phú Quốc phê duyệt, mà việc này cũng chỉ là trả lại vị trí cũ cho các hộ tiểu thương bán bánh mà thôi”, ông Mãi nói.
Ông Đoàn Văn Tiến, Bí thư – Chủ tịch UBND TT.Dương Đông, cho biết việc di dời 14 hộ kinh doanh này là việc của đơn vị quản lý chợ. Việc của chính quyền địa phương chỉ là lập lại trật tự đô thị khu vực chợ Dương Đông mà Chủ tịch UBND H.Phú Quốc đã ký duyệt từ đầu tháng 8.2019. Theo kế hoạch, không chỉ 14 hộ kinh doanh trên phải thực hiện mà nhiều khu vực khác trong TT.Dương Đông cũng phải thực hiện. Để thực hiện kế hoạch này, UBND TT.Dương Đông đã nhiều lần đối thoại với các hộ tiểu thương (có cả 14 hộ tiểu thương trên) và đến ngày 26.8 phải đưa lực lượng đến thực hiện.
Tuy nhiên, trước sự phản ứng gay gắt của các tiểu thương, ông Tiến cho biết sẽ tổ chức đối thoại với dân thêm lần nữa để chính quyền và người dân có tiếng nói chung.
Ông Tiến cho rằng chợ Dương Đông còn là một điểm tham quan của du khách khi đến Phú Quốc. “Vì thế chúng ta cần phải tạo sự thông thoáng cho khu chợ, để khu chợ trở nên đẹp hơn trong mắt du khách”, ông Tiến chia sẻ.