Hơn 1.500 hành khách bị kẹt tại Phú Quốc vì sân bay đóng cửa trong ngày 9.8.
Vì an toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam phải ra quyết định đóng cửa, và các hãng máy bay cũng như hành khách không còn lựa chọn nào khác.
Bản tin rất lạnh lùng này nói lên điều gì?
Không ai nghĩ rằng chuyện sân bay đóng cửa có liên quan đến hoạt động phá rừng ở Phú Quốc. Phá rừng đã gây ra ngập lụt chưa từng thấy ở hòn đảo này. Báo chí nói trong đau đớn rằng “Đảo ngọc thành đảo ngập”.
Những hành khách bị dồn lại ở Phú Quốc, có bao nhiêu việc khác đang chờ họ, trong đó có những trường hợp rất quan trọng. Nhưng họ bị trói chân, họ là nạn nhân của mưa lũ, nhưng nói sâu xa hơn và chính xác hơn, họ là là nạn nhân của nạn phá rừng tại hòn đảo này.
Vụ ngập lụt lịch sử này có những nguyên nhân từ tự nhiên, nhưng nguyên nhân chính là do rừng Phú Quốc đã bị tàn phá nghiêm trọng.
Và đâu phải chỉ hành khách ở Phú Quốc là nạn nhân. Hành khách của các chuyến bay ở các sân bay có nối chuyến với các chuyến bay ở Phú Quốc bị ảnh hưởng dây chuyền. Tất cả đều bị hoãn chuyến, không riêng gì ở Phú Quốc.
Rồi các hãng hàng không cũng là nạn nhân của ngập lụt, lịch khai thác bị xáo trộn. Hành khách người thông cảm thì chia sẻ, người không hiểu thì chửi bới. Thiệt hại vật chất cũng như thiệt hại về uy tín của các hãng hàng không rất lớn. Đành phải chịu vì không còn cách nào khác.
Những người có trách nhiệm quản lý đã để cho Phú Quốc tan nát hãy nhìn hậu quả này để thấy tội lỗi của mình.
Nợ rừng không dễ trả. Dân gian nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Dân nghèo trào nước mắt nhưng rồi đây “người giàu cũng khóc”.
Cuối cùng, hãy làm cho rõ những vụ xẻ thịt đất đai ở Phú Quốc, đừng để quyền lực đứng trên pháp luật.
Theo Lê Thanh Phong
Lao động