Theo khảo sát của Zing, trong suốt giai đoạn giữa tháng 5, giá vé máy bay khứ hồi TP.HCM – Hà Nội rẻ nhất chỉ ở mức 790.000 đồng, mức giá thấp kỷ lục. Cụ thể, nếu hành khách mua vé sát ngày và khởi hành ngay ngày 8/5, trở về Hà Nội vào 11/5, giá vé khứ hồi đã ở mức chạm sàn.
DANH MỤC
Giá vé xuống đáy
Vietjet Air đang là hãng bay đưa ra giá vé rẻ nhất cho chặng bay trên, ở mức 790.000 đồng khứ hồi. Những lựa chọn khác của hành khách bao gồm Pacific Airlines (1,1 triệu đồng), Vietnam Airlines (1,26 triệu đồng), Vietravel Airlines (1,3 triệu đồng) và Bamboo Airways (1,3 triệu đồng).
Mức giá vé mà Vietjet Air đưa ra dựa trên giá vé gốc khuyến mại 0 đồng trên cả chiều đi và chiều về, do đó đây là giá vé khứ hồi thấp nhất của một chặng bay nội địa, hãng bay chỉ thu về phí quản trị hệ thống. Đi kèm với mức giá vé rẻ là lựa chọn giờ bay đa dạng cho hành khách khi các chuyến bay đều rất sẵn vé với đầy đủ các khung giờ bay.
Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến giá vé máy bay nội địa xuống thấp kỷ lục. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tương tự, hành trình TP.HCM – Đà Nẵng cũng ghi nhận mức giá vé thấp kỷ lục 790.000 đồng khứ hồi, hãng thực hiện chuyến bay là Vietjet Air cũng với khuyến mại vé 0 đồng. Các hãng bay khác cũng khai thác chặng bay này là Pacific Airlines (1 triệu đồng), Bamboo Airways (1,1 triệu đồng) và Vietnam Airlines (1,2 triệu đồng).
Một hành trình khác cũng ghi nhận giá vé xuống đáy là TP.HCM – Phú Quốc. Vietjet Air đang đưa ra giá vé khứ hồi rẻ nhất cho chặng bay này là 790.000 đồng, cũng là một chặng bay giá vé khuyến mại 0 đồng. Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietravel Airlines cùng đưa ra mức giá vé 1 triệu đồng cho chặng bay này, trong khi Bamboo Airways có giá vé 1,1 triệu đồng.
Từ đầu trục Hà Nội, hành khách bay khứ hồi đi Đà Nẵng theo lịch trình trên có thể lựa chọn chuyến bay của Vietjet Air với giá vé gần 900.000 đồng. Những lựa chọn khác của hành khách bao gồm Vietravel Airlines (945.000 đồng), Pacific Airlines (1,1 triệu đồng), Bamboo Airways (1,1 triệu đồng) và Vietnam Airlines (1,1 triệu đồng).
Với hành trình Hà Nội – Phú Quốc, giá vé khuyến mại 0 đồng từ Vietjet Air đã kéo giá vé xuống đáy 790.000 đồng. Vietnam Airlines đưa ra mức giá vé rẻ nhất 1,8 triệu đồng cho chặng bay này, trong khi Bamboo Airways cũng có giá vé rẻ nhất 1,8 triệu đồng.
Xem xét cẩn trọng việc bỏ vé 0 đồng
Sau đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines, Bộ Tài chính cho biết về thẩm quyền quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông Vận tải”.
Nếu đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines được thông qua, vé khuyến mại 0 đồng sẽ không còn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trên cơ sở này, việc xem xét điều chỉnh khung giá (bao gồm giá trần và giá sàn) dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.
Cùng với đó, việc định giá sẽ phải theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Bộ Tài chính khẳng định, việc tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay mới chỉ là phương án đề xuất của Vietnam Airlines. Việc xem xét điều chỉnh mức trần khung giá vé máy bay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xem xét thận trọng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và rà soát từng yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ cấu thành giá vé máy bay theo quy định của pháp luật, đồng thời, tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh thích hợp (nếu có), đảm bảo phù hợp chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân; hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Theo đề xuất của hãng hàng không quốc gia, để các hãng hàng không Việt không cạnh tranh, dẫm đạp lên nhau trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, cần có sàn giá vé máy bay. Hai phương án được hãng đề xuất bao gồm sàn vé bằng 35% mức trần hoặc sàn vé tính theo chi phí biến đổi.
Theo phương án 1, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 560.000-595.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 787.500 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 1.011.500 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 1.190.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 1.400.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.
Theo phương án 2, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 414.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 570.000 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 755.000 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 804.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 917.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.
Lấy ví dụ với đường bay trục vàng TP.HCM – Hà Nội, giá vé khứ hồi rẻ nhất mà hành khách có thể mua theo phương án 1 là 2.380.000 đồng chưa kể thuế phí dao động theo từng hãng bay. Theo phương án 2, con số này sẽ là 1.608.000 đồng chưa kể thuế phí. Trên thực tế trong giai đoạn thấp điểm, vé khứ hồi TP.HCM – Hà Nội rẻ nhất ở mức chưa tới 1.000.000 đồng đã bao gồm thuế phí.
Phản ứng với đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu đề xuất được thông qua sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hàng không và ngành du lịch Việt Nam vốn đang lao đao vì dịch bệnh Covid-19.
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc