Nguyên nhân gây ngập vừa qua ở Phú Quốc (Kiên Giang) là do mưa lớn cộng với gió mùa Tây Nam thổi mạnh, một số rạch, suối bị chèn lấn. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng lấn chiếm quy hoạch cũng đang góp phần gây ngập lụt tại đây.
Các công trình đang xây dựng trong khu vực quy hoạch làm hồ nước Dương Đông – Ảnh: NGỌC KHẢI
Hồ nước thành “đại công trình không phép”
Ngay từ bản quy hoạch Phú Quốc được cơ quan thẩm quyền phê duyệt từ năm 2010, hơn 48ha vùng trũng ở khu phố 5, thị trấn Dương Đông được thiết kế để trở thành hồ nước.
Đây sẽ là không gian mặt nước quan trọng như một “bao tử” ở phía đông sông Dương Đông để điều tiết nước cho con sông lớn nhất huyện đảo. Qua đó, điều hòa luôn gần như toàn bộ hệ thống không gian mặt nước ở vùng trung tâm Phú Quốc.
Mùa mưa, hồ này sẽ là nơi gom nước và có thể tiêu thoát nước ra biển qua sông Dương Đông. Mùa khô, nó là nơi trữ lại nguồn tài nguyên nước quý giá cho hòn đảo giữa biển.
Trong một số hội thảo, hồ nước Dương Đông này từng được đề nghị giảm diện tích quy hoạch. Tuy nhiên đến bản quy hoạch mới nhất đang hiện hữu, diện tích quy hoạch lòng hồ vẫn không thay đổi, cho thấy không gian mặt nước này đóng vai trò quan trọng như thế nào cho tương lai Phú Quốc.
Đường Đoàn Thị Điểm, khu phố 5, thị trấn Dương Đông, trước đây kết thúc khi gặp phải sông Dương Đông. Phía bên sông là bước vào khu vực quy hoạch hồ nước. Vài năm trước, một cây cầu được dựng lên và đường Đoàn Thị Điểm tự phát kéo dài vào khu vực quy hoạch lòng hồ.
Sau đợt ngập Phú Quốc vài ngày, chúng tôi vào khu vực quy hoạch lòng hồ. Đập vào mắt là một công trình to lớn hàng ngàn mét vuông, hàng chục thợ xây dựng đang tiến hành những công đoạn cuối cùng để hoàn tất công trình.
Công trình này không có bảng tên, nhưng người dân xung quanh ai cũng biết đây là “nhà hàng của một ông chủ lớn sống trong thị trấn”. Nối tiếp công trình này, một khu phố xuất hiện với những con đường bêtông ngang dọc mới tinh.
Nếu không cầm theo hệ thống định vị, chúng tôi thật không thể tin được những căn nhà nguy nga trước mắt mình chính là trung tâm hồ nước đã được quy hoạch từ 9 năm trước.
Theo số liệu tách thửa năm 2018, những miếng đất trong đây đã được tách thành nhiều miếng vuông vức, hình hài như một con phố mới ngăn nắp chạy dọc theo các trục đường bêtông. Hàng loạt số điện thoại được sơn nổi bật khắp nơi, kèm theo chữ “bán đất”.
B., người có nhà lâu năm trong khu vực này, khi thấy chúng tôi hỏi về đất đai đã nhanh nhảu rút điện thoại cho xem các sổ đỏ đất rồi nói: “Quy hoạch thì quy hoạch chứ không sao đâu, ở đây giờ thành cả khu phố như vậy sao mà giải tỏa được.
Rồi cũng bỏ quy hoạch thôi”. B. đưa chúng tôi đi một vòng trong khu vực quy hoạch lòng hồ.
Chỉ vào một dãy nhà khang trang xây theo kiểu villa, B. giới thiệu: “Nhà cửa ở đây chỉ mới xây trong vòng khoảng 2 năm đổ lại thôi.
Đất đây năm ngoái lên đến hơn 15 triệu đồng/m2. Mỗi căn này giá khoảng 3,5 tỉ đồng mà người ta mua ở hết rồi đó. Giờ mới xảy ra ngập nên đất còn chừng hơn 9 triệu đồng/m2, mua thời điểm này là hợp nhất”.
Khi chúng tôi thắc mắc về việc xây dựng, B. dẫn sang một công trình có hơn 20 thợ đang đổ móng, quả quyết: “Ở đây xây dựng không cần có giấy phép, người ta vẫn xây ào ào”.
Sổ đỏ mà B. cho chúng tôi xem, được tách thửa năm 2017, vẫn ghi mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Trong toàn bộ khu vực mà theo quy hoạch sẽ trở thành lòng hồ trong tương lai, có đến 3 công trình đang thi công.
Khó trở lại như quy hoạch?
Không chỉ khu vực lòng hồ Dương Đông, bản quy hoạch tương lai Phú Quốc đang gặp phải tình trạng lấn chiếm, xây dựng tràn lan. Theo quy hoạch, rạch Ông Trì đóng vai trò điều tiết toàn bộ hệ thống mạch nước phía bắc trung tâm thị trấn đổ ra sông Dương Đông và 3 con suối đóng vai trò thoát nước từ các hệ thống núi ở phía đông chảy ra bờ biển phía tây đều được xây dựng hành lang cây xanh bảo vệ.
Trên thực tế, những con rạch, suối này đang bị chèn lấn thô bạo bởi nhiều công trình kiên cố. Nhiều đoạn suối đã bị lấp hẳn bởi các công trình mà việc trở lại đẹp đẽ như trong các bản vẽ sẽ rất khó khả thi.
Mang theo một bản quy hoạch và định vị thực tế một vòng tại Dương Đông, một kiến trúc sư dễ dàng chỉ ra hàng loạt công trình xây dựng trên các diện tích đất được quy hoạch là đất rừng phòng hộ, đất cây xanh bảo tồn…
Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ nằm trong những diện tích đất lẽ ra là đất dùng làm không gian xanh cho Phú Quốc và không được đụng đến. Dĩ nhiên, những công trình đang thu hút khách du lịch đến đảo ngọc này vẫn chưa có giấy phép xây dựng.
Dễ thấy nhất dọc hai bên bờ sông Dương Đông, theo quy hoạch sẽ có đất công viên – cây xanh ngăn cách bờ sông với các trục đường song hành hai bên. Thực tế hiện nay đã rất khác. Đứng trên cầu Nguyễn Trung Trực nhìn xuống hai bên, sông Dương Đông đã bị bóp nghẹt bởi hàng loạt công trình kiên cố.
Người dân Phú Quốc vẫn chưa quên câu chuyện ở khu vực chợ đêm hiện hữu. Những người sống cặp sông ở khu vực này từng được thu hồi đất để làm công viên – cây xanh. Trong bản quy hoạch cũng thể hiện khu vực này có hơn 1,5ha đất làm công viên – cây xanh.
Nhưng nay, các công trình đã được dựng lên để phục vụ cho khu vực chợ đêm huyên náo nhất của Phú Quốc. Công viên chỉ là một mảng màu xanh còn nằm trong quy hoạch.
Trao đổi về thực trạng hiện tại so với quy hoạch, ông Võ Chí Sĩ, trưởng Phòng quản lý đô thị huyện Phú Quốc, nói: “Việc các hiện trạng sai phạm so với quy hoạch đã có thanh tra bộ vào cuộc và kết luận. Hiện chúng tôi cũng chưa tiếp cận được với kết luận này”.
Khi hỏi về tình trạng xây dựng trái phép tràn lan trong các khu vực đã quy hoạch lòng hồ, khu vực suối, ông Mai Văn Huỳnh, bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, nói: “Hiện huyện đang lên kế hoạch kiểm tra, rà soát xử lý. Việc xử lý trái phép phải trình tự, thủ tục chứ không thể nhanh chóng được”.
Gần 300 dự án
Chính phủ đã ban hành quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11-5-2010 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 và quyết định 868/QĐ-TTg ngày 17-6-2015 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030.
Dựa vào chi tiết quy hoạch này, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố quy hoạch chi tiết 1/2.000 vào tháng 4-2018.
Phú Quốc có tổng diện tích đất là 58.923ha. Theo quy hoạch, chỉ tiêu đất xây dựng đô thị tại Phú Quốc khoảng 80-90 m2/người.
Đất dành cho xây dựng đô thị 3.852ha; đất du lịch 3.861ha; đất khu phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư 1.235ha; đất chuyên dùng 1.489ha; đất cây xanh, mặt nước và không gian mở 3.399ha; đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật 1.135ha; đất lâm nghiệp 37.802ha; đất nông nghiệp 5.813ha; và đất an ninh quốc phòng, đất dự trữ phát triển 337ha.
Tính đến tháng 7-2019, toàn bộ hòn đảo đang có gần 300 dự án, trong đó đa số là các dự án xây dựng resort, khách sạn, biệt thự…
Chợ Dương Đông chưa có “đất cây xanh”
Năm 2011, Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc ra quyết định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chợ Dương Đông.
Trong bản phê duyệt tỉ lệ 1/500 này, UBND huyện giao cho chủ đầu tư xây dựng chợ theo cơ cấu bao gồm hơn 2.500m2 đất công trình, hơn 295m2 đất bến cảng, hơn 350m2 đất bãi giữ xe, hơn 6.800m2 đất giao thông và hơn 231m2 đất cây xanh.
Nhưng trên thực tế, đến nay phần đất cây xanh này vẫn chưa được xây dựng, dù chợ đã đi vào hoạt động nhiều năm nay.