Bánh tráng trộn Cô Năm ở Gò Vấp 2 năm nay đã trở thành địa điểm quen thuộc của các tín đồ ăn vặt. Khách đến quán phải xếp hàng dài, chờ rất lâu nhưng không ai nỡ giận bởi sự vui tính của bà chủ.
Dù chỉ là món ăn chơi nhưng bánh tráng trộn là cái tên không thể thiếu khi nhắc tới
ẩm thực
ưa thích của
người Sài Gòn
.
Trong số hàng ngàn quán ở TP.HCM, bánh tráng trộn Cô Năm ở địa chỉ 58 Lê Thị Hồng (Q. Gò Vấp, TP.HCM) là cái tên được nhiều tín đồ ăn vặt nhắc tới.
DANH MỤC
Bán không nghỉ tay
“Cứ đi thẳng đường thấy quán nào người ta xếp hàng dài là nó đó”, một người đàn ông (ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM) chỉ đường cho tôi đến quán bánh tráng Cô Năm.
Đúng như lời đồn, quán tuy nhỏ nhưng có nhiều người kiên nhẫn xếp hàng chờ mua dù trời nắng.
|
Để có được lượng khách đông đảo như ngày hôm nay, quán bánh tráng Cô Năm cũng đã từng trải qua một thời bán xe đẩy ở gốc cây, cổng trường.
Bà Đặng Thị Thu Hà (41 tuổi, chủ quán) chia sẻ hai năm trước
gia đình
xảy biến cố, một mình bà phải nuôi hai con đang tuổi ăn học. Không có nghề nghiệp gì trong tay, bà nảy ra ý định bán
bánh tráng
trộn dù bản thân chưa từng làm món này.
“Tôi làm thử cho con ăn thì nó khen, nói mẹ ơi bán món này đi. Cũng có vài cô bạn thân, ai cũng ủng hộ hết nên tôi mua gia vị về rồi chế tác ra bán. Hồi đó còn đẩy xe, trời mưa trời gió nhiều khi muốn buông xuôi lắm, nhưng nghĩ tới con nên thôi lại cố gắng”, bà Hà kể.
Từ vài chục cho tới hàng trăm bịch mỗi ngày, bánh tráng của bà Hà ngày càng được lòng thực khách gần xa. Khi thấy lượng khách ổn định, bà mở một quán nho nhỏ bán cố định và lấy tên là Cô Năm.
Giải thích về cái tên, bà Hà cho biết muốn lấy một cái tên dân dã để gọi cho thân mật. Quán được mở của lúc 10 giờ sáng và thường bán hết vào khoảng 5 giờ chiều.
Khách đến mua chủ yếu là khách quen và ở gần, còn một lực lượng đông đảo nữa là những shipper (người giao hàng).
|
“Mỗi ngày tôi chạy phải hơn chục đơn ở quán cô Năm tổng cộng chắc cũng trên dưới trăm bịch. Mấy anh shipper ở đây ai cũng biết cô cả, khách hàng thân thiết mà”, anh Trần Sỹ Dũng (31 tuổi, shipper) cho hay.
Cứ hết lượt khách này lại đến lượt khác, từ khi tôi đến không khi nào thấy quán vắng khách. Để phục vụ lượng khách đông bà Hà làm không nghỉ tay. Bà là người trực tiếp trộn bánh tráng và bán chính, có thêm 3, 4 người chia nhau công việc như bào xoài, bỏ bịch…để khách không chờ lâu.
“Tôi trộn bánh tráng tới mức tay có hai con chuột rồi nè, mà không làm không được, để khách chờ lâu tội nghiệp. Nhất là mấy anh shipper, để khách la họ, hủy đơn mình mang tội”, bà Hà vui vẻ nói.
|
Khách chờ lâu không nỡ giận
Khác với nhiều hàng bánh tráng, bà Hà không sử dụng khô bò, tép, hành mà thay vào đó là khô gà xé sợi, tỏi phi. Điểm đặc biệt làm nên sức hấp dẫn của món ăn là nước sốt do chính tay bà làm ra.
“Tôi tự làm tỏi phi, nước sốt nên mất nhiều thời gian, công sức hơn. Nhưng đổi lại món của mình lại có vị đặc biệt, ăn vào là thấy khác liền. Nhiều người đến mua vì mê cái món nước sốt đấy vậy mới níu chân khách được chứ”, bà Hà cho hay.
|
Là một “fan cứng” của bánh tráng Cô Năm, chị Hoài Thu cho biết đã ăn từ khi bà Hà còn bán xe đẩy. Một trong những điều mà chị Thu thích nhất là các nguyên liệu sạch và cách trộn đều tay của bà Hà làm gia vị thấm vào bánh tráng.
“Nước sốt tự làm, kết hợp với xoài tươi, rau răm, 3 trái trứng cút, tỏi phi. Gia vị nhiêu đó nhưng trộn lên rất hợp, lạ miệng. Mỗi lần Năm trộn là cả một thau lớn nhưng không có chỗ nào bị sót gia vị hết”.
Bánh tráng Cô Năm bán hai loại, một loại được bà Hà trộn sẵn, một loại khác là để khách hàng tự trộn, trong bịch sẽ có đầy đủ gia vị và bao tay rất tiện lợi. Giá cả của quán cũng vừa phải, 20 ngàn đồng/bịch là giá của loại đã trộn, loại còn lại giá 15 ngàn đồng.
Dù không biết chính xác bán được bao nhiêu bịch mỗi ngày nhưng bà Hà thừa nhận khách đến quán ngày càng đông. Hơn hai tiếng có mặt ở quán tôi chưa thấy bà Hà nghỉ tay một phút nào.
|
Quán quá đông cũng là một điểm trừ nho nhỏ vì để khách đợi lâu. Tuy vậy chẳng ai nỡ giận vì bà Hà luôn biết cách nói chuyện để khách hàng thông cảm. Khách có đông đến mấy bà Hà cũng không tỏ thái độ cáu có, tay thoăn thoát làm còn miệng thì vẫn nói chuyện, cười đùa vui vẻ với
khách hàng
.
“Bả lúc nào cũng tếu tếu vậy đó, không nói chuyện thì bả hát cho vui. Nhiều khi đợi lâu quá sợ bị huỷ đơn nhưng cũng không dám hối bả. Gấp quá thì nhào vô cột bánh, bỏ bịch phụ một tay luôn cho nhanh”, anh Lê Trung Tín (25 tuổi, người giao hàng) chia sẻ.
Vì vừa làm vừa liên tục nói chuyện với khách nên bà Hà đeo một khẩu trang nhựa để đảm bảo vệ sinh. Bà tâm sự, mỗi ngày trộn bánh tráng hai cánh tay mỏi nhưng bà luôn cố gắng để làm hài lòng khách hàng.
“Mình may mắn mới được nhiều người đến mua, bây giờ làm ăn không có khách sao sống. Nhưng khách của tôi rất dễ thương, nghe nói chuyện cái là chẳng ai nỡ giận”, bà chủ quán bánh tráng trộn cô Năm cười lớn.