2019 có thể xem là một khoảng thời gian đem lại nhiều cảm xúc lẫn lộn cho những người quan tâm đến ngành Du lịch tại Việt Nam. Ngành Du lịch nước nhà liên tiếp đón nhận những tin vui từ quốc tế khi lần lượt nhận nhiều giải thưởng danh giá và các con số thống kê “không thể đẹp hơn”. Bên cạnh những nốt thăng, nhiều câu chuyện buồn khiến cộng đồng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Những con số đủ sức “làm choáng mình”
Theo Tổng cục Thống kê, 1,8 triệu lượt khách quốc tế đã tới Việt Nam trong tháng 11, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là lượng khách cao kỷ lục trong một tháng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng đầu năm gần chạm mốc 16,3 triệu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Với đà tăng trưởng này, Việt Nam hoàn toàn có thể sớm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2019 là đón 17,5-18 triệu lượt khách. Mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020 cũng có thể được hoàn thành sớm.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ lượng khách tới, Việt Nam cũng liên tục xuất hiện trong các hạng mục giải thưởng du lịch từ nhiều cơ quan truyền thông danh tiếng.
Tính riêng cuối năm 2019, Việt Nam đã được trao tặng 2 danh hiệu hàng đầu thế giới là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2019 (World Travel Awards) và Điểm đến Golf hàng đầu thế giới 2019 (World Golf Awards). Bên cạnh đó, Việt Nam còn xướng tên ở những hạng mục cấp châu lục như Điểm đến hàng đầu châu Á (2 năm liền 2018-2019), Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á 2019.
Trong cơn mưa giải thưởng mà Việt Nam đón nhận, Hội An có thể xem là thành phố thành công bậc nhất về mặt du lịch năm 2019.
“Thành phố tuyệt vời nhất năm 2019” là danh hiệu mà tạp chí du lịch nổi tiếng Travel + Leisure đã trao tặng cho Hội An. Vị trí dẫn đầu của phố Hội khiến không ít người Việt bất ngờ bởi các đối thủ phía sau đều là những “tên tuổi” sừng sỏ như Tokyo (Nhật Bản), Ubud (Indonesia), Chiang Mai (Thái Lan)… Bên cạnh giải thưởng của Travel + Leisure, Hội An còn nhận thêm nhiều danh hiệu từ các cơ quan truyền thông lớn như CNN hay thậm chí xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của Google – một sự kiện chưa từng có tiền lệ.
Từ khóa “tỷ phú”, “đại gia” được cộng đồng mạng săn tìm khá nhiều trong năm 2019. Đơn giản bởi chỉ trong vòng một năm, Việt Nam đã đón ít nhất 3 nhân vật thuộc giới “siêu giàu” trên thế giới, nổi tiếng nhất là Joe Lewis, ông chủ Tottenham Hotspur, người giàu thứ 388 theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes năm 2018.
Trong thời gian ghé thăm Việt Nam, tỷ phú Lewis đã có chuyến du ngoạn từ Nam ra Bắc, lần lượt dừng chân ở Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng (Quảng Nam) và kết thúc ở Hạ Long (Quảng Ninh).
Chuyến đi của tỷ phú không đơn thuần dừng ở mức thưởng ngoạn. Tại mỗi điểm đến, ông đều có những buổi trò chuyện với lãnh đạo các địa phương. Tỷ phú Lewis từng khen ngợi Đà Nẵng là một trong những thành phố đẹp nhất Việt Nam và tiết lộ dự định xây dựng bến du thuyền hiện đại tại đây. Trong lần dừng chân ở Cần Thơ, ông chủ Tottenham còn hứa hẹn đưa đội một đến Việt Nam.
Sau “cú nổ” mang tên Joe Lewis, Việt Nam tiếp tục được chọn làm nơi tổ chức 2 đám cưới của những đại gia Ấn Độ. Thông tin về các đám cưới này gần như được giấu kín. Tuy nhiên, địa điểm tổ chức được xác định là Phú Quốc và Đà Nẵng, đều trong các tổ hợp khách sạn 5 sao nổi tiếng.
Nỗi lo giữa những chiến thắng
Thành quả này không phải món quà trên trời rơi xuống. Cách khai thác tài nguyên và quảng bá hình ảnh nước nhà là những nguyên do chính giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Tại Diễn đàn Du lịch Cấp cao Việt Nam 2019, yếu tố chiến lược quảng bá hình ảnh đã được ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đặc biệt nhấn mạnh. Ông cho biết tỉnh nhà thu hút khách nhờ thường xuyên tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, đồng thời mời gọi các hãng truyền thông trong và ngoài nước đến đưa tin, ghi hình.
Quảng Bình không phải địa phương duy nhất áp dụng chiến lược thu hút khách này. Cuối tháng 5, đại diện TP Hà Nội ra thông báo đã ký kết với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN (Mỹ) chương trình quảng bá thành phố trên kênh “CNN quốc tế” giai đoạn 2019-2024.
Giữa những thành tích “vô tiền khoáng hậu” du lịch Việt đạt được trong năm 2019, chúng ta vẫn còn nhiều mối lo cần giải quyết nếu không muốn mãi là “kẻ ngủ quên trên chiến thắng”.
Bất chấp lượng khách quốc tế tăng vượt bậc, nhiều thống kê chỉ ra số tiền chi tiêu và thời gian họ dành để lưu trú tại Việt Nam thực sự không cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ trở lại cũng dao động mức thấp, khoảng 10-40%. Đa số du khách không chi tiêu quá nhiều, chỉ khoảng 900 USD/chuyến 9 ngày.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi đau đầu cho những người làm du lịch bởi thực tế, mục tiêu đề ra không phải kéo đông khách. Điều cốt lõi để du lịch phát triển là thu hút nhóm khách chi trả cao, đem về nhiều tiền cho du lịch Việt Nam.
Câu chuyện làm sao để “moi được nhiều tiền” từ du khách ngoại quốc là bài toán được đem ra thảo luận rất nhiều. Để giải quyết vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), khẳng định điều cần thiết là gỡ bỏ rào cản visa.
“Khách du lịch tại những nước có khả năng chi trả muốn khám phá dài ngày ở Việt Nam nhưng lại bị vướng bởi quy định chỉ cho lưu trú 15 ngày. Các nước ở gần (trong khu vực ASEAN) mình lại mở cửa 30 ngày vì có hiệp định song phương. Tuy nhiên, khách du lịch tại các nước trong khu vực thường không sử dụng hết 30 ngày”, ông Chính nhấn mạnh.
Tại buổi trao đổi ở Diễn đàn Du lịch Cấp cao Việt Nam 2019, nhiều đề xuất đã được đưa ra. Bên cạnh những đề xuất cũ như cải tạo, trùng tu các khu di tích, nhiều sáng kiến mới cũng được đem ra thảo luận. Nổi bật trong số này có thể kể đến đề xuất phát triển hình thức du lịch cộng đồng.
Dù vậy, câu hỏi về cách quản lý những người dân thiếu chuyên nghiệp làm ăn quy củ không phải vấn đề dễ giải quyết. Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường cũng đặc biệt được quan tâm. “Chúng ta phải làm sao để biến những người phá rừng thành người trồng rừng”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Gồng mình với lượng khách quá lớn
Đối lập với lượng du khách kỷ lục tới Việt Nam là sức chịu đựng có hạn của những điểm du lịch. Đó là một câu chuyện không của riêng Việt Nam mà từng diễn ra ở nhiều điểm đến trên thế giới.
Hẻm núi Fjadrargljufur (Iceland) từng phải đóng cửa tạm thời vì… Justin Bieber. Nguyên nhân là lượng du khách quá lớn đổ xô tới đây sau khi nam ca sĩ người Canada quay MV I’ll Show You đạt hơn 444 triệu lượt xem năm 2015.
Venice (Italy) còn hạn chế số lượng phòng nghỉ của những khách sạn mới xây để kiểm soát khách du lịch. Theo nhiều chuyên gia, số lượng khách khổng lồ gây ra tác động xấu đến nhiều di tích lịch sử, đồng thời gia tăng ô nhiễm cho thành phố.
Tại Việt Nam, câu chuyện bùng nổ khách du lịch có thể nhận thấy rõ ở các điểm đến như Hội An (Quảng Nam), Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng). Riêng Hội An, phố cổ này hứa hẹn đối mặt với lượng khách khổng lồ sau những giải thưởng đình đám trong năm 2019.
Nhắc đến Hội An, nhiều người thừa nhận nơi này không còn giữ được nét bình yên như xưa. Trong các tháng du lịch hè, cảnh người chen người trên những con phố nhỏ không phải hiếm gặp. Trước tình trạng này, không ít ý kiến lo ngại phố cổ này sẽ mất đi những giá trị vốn có từ xưa.
“Bảo tồn nhưng không phải là đóng khung, ngăn cản sự phát triển du lịch”, ông Thắng Vũ, nghiên cứu viên Du lịch chia sẻ với Zing.vn khi được hỏi về việc Hội An đang thu hút lượng khách khổng lồ. Theo ông Vũ, phố cổ Hội An dù nhận nhiều ý kiến trái chiều vẫn được các chuyên gia UNESCO đánh giá là “hình mẫu cho việc quản lý di sản trong vùng, thậm chí còn làm tốt hơn Thái Lan về bảo tồn di tích sống”.
Tuy nhiên, thực tế đúng là trong những năm gần đây, Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và quần thể khu di tích Mỹ Sơn phải đối mặt với những vấn đề quá tải do lượng khách du lịch tập trung quá đông tại vùng lõi di sản.
Về vấn đề này, ông Vũ cho rằng các bên liên quan cần nghiên cứu, tìm ra giải pháp để phân bố tuyến du lịch ra khỏi vùng lõi. “Ban quản lý phải thường xuyên theo dõi lượng khách đến và khả năng đáp ứng của các điểm thu hút du lịch. Từ đó khoanh vùng cho từng loại hoạt động và hạn chế cung ứng dịch vụ tại các khu vực bị quá tải”, ông chia sẻ.
Ngoài ra, nghiên cứu viên này còn đề xuất áp dụng quy định thời gian tham quan khu phố cổ, tránh ách tắc giao thông trong giờ cao điểm, hoặc phân luồng giao thông đối với các loại xe bus, xe chở khách cỡ lớn để tăng thêm hiệu quả trong việc điều tiết lượng khách tham quan.
Bên cạnh Hội An, Sa Pa cũng là điểm đến gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Cái tên “thị trấn trong sương” giờ không còn được nhiều người sử dụng khi nói về Sa Pa. Thay vào đó, họ gọi thị trấn này là “đại công trường”.
Ông Tô Bá Hiếu, thành viên của Hiệp hội Du lịch Sa Pa thừa nhận hiện trạng này nhưng khẳng định việc mở rộng không gian phát triển du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, hiệu quả cũng là hoạt động cấp bách.
Ông Hiếu cho biết trong những năm qua, Sa Pa đang phải đối mặt với tình trạng quá tải khách du lịch. Năm 2015, đô thị này đón 1,2 triệu lượt khách. 4 năm sau, con số đã tăng lên 3,2 triệu lượt, tức là hơn 266%.
“Hàng loạt cơ sở lưu trú, dịch vụ phục vụ du khách cũng tăng theo. Diện tích thị trấn Sa Pa chỉ có 24,02 km2, dân số gần 10.000 người, gây nên tình trạng quá tải, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, làm mất cân bằng sinh thái, cảnh quan bị xâm hại, suy thoái”, ông Hiếu chia sẻ.
Thế hệ truyền lửa cho du lịch Việt
Cụm từ “travel blogger” đang ngày một phổ biến trong giới xê dịch. Họ được hiểu là những người thường xuyên đi du lịch và chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm của mình tới công chúng.
Với sự phát triển của mạng xã hội, sức ảnh hưởng của travel blogger lên những người theo dõi là điều khó có thể phủ nhận. Theo một cách hiểu nào đó, lối du lịch của những followers (người theo dõi) có thể được tác động theo hướng tiêu cực hoặc tích cực nhờ các travel blogger này.
“Đi nhiều giúp người ta mở rộng thế giới quan, biết mình tốt hay còn yếu kém ở đâu. Khi du lịch nước ngoài, travel blogger như tôi cũng hóa thành đại diện cho Việt Nam gặp gỡ bạn bè quốc tế. Chúng tôi muốn lan tỏa hình ảnh đẹp Việt Nam để bạn bè quốc tế không còn những định kiến về nước mình”, travel blogger Lý Thành Cơ chia sẻ với Zing.vn. Khi được hỏi về trách nhiệm của những travel blogger với ngành Du lịch Việt Nam, Lý Thành Cơ cho biết đây là một phạm trù rộng lớn. Anh chia sẻ khó có thể gắn trách nhiệm với du lịch nước nhà cho các travel blogger. “Tuy nhiên, tôi luôn đánh giá cao những bài viết về du lịch Việt Nam. Đó là cách lan tỏa, quảng bá văn hóa, phản ánh thực trạng và những điều cần thay đổi để du lịch nước nhà đi lên”.
Đồng quan điểm về vấn đề này, travel blogger Tâm Bùi thừa nhận “một vài cá nhân như chúng tôi không thể thay đổi được”. Tuy nhiên, anh khẳng định mình và những người đồng nghiệp luôn cố gắng hướng đến một cộng đồng yêu du lịch văn minh và đem đến những ảnh hưởng tích cực cho công chúng.
Khi travel blogger đang dần trở thành một nghề “hot”, cả hai đều bộc bạch được gắn bó với nghề này là điều may mắn. Với những bạn trẻ đang có định hướng trở thành travel blogger tương lai, Lý Thành Cơ và Tâm Bùi nhấn mạnh người làm nghề cần có hướng đi riêng. “Một vài bài review trên mạng chỉ khẳng định bạn là người hay đi du lịch, chưa phải travel blogger”.