Anh Nguyễn Văn Cầu (28 tuổi) hiện là
nghiên cứu sinh
Trường ĐH Tổng hợp Moscow, Bộ Nội vụ Liên bang Nga.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Khánh Hồng, H.Yên Khánh, Ninh Bình, anh Cầu có một
cuộc sống
đầy khó khăn. Bố Cầu mất từ khi anh còn học lớp 1, để lại 5 chị em với người mẹ chỉ làm ruộng nuôi con, nên tuổi thơ của anh gặp không ít gian nan, có thể nói là những ngày giông bão nhất trong cuộc đời.
Đó là những năm tháng đi học không đủ tiền đóng học phí, các thầy cô và bạn bè phải gom tiền lại để Cầu được tiếp tục đi học. Kinh tế gia đình khó khăn, 3 chị và em gái Cầu lần lượt phải nghỉ học để nhường cho một mình anh được tới trường.
“Ngoài việc đi học ở trường, khi về nhà tôi dành hết thời gian để phụ giúp mẹ và các chị. Mùa hè những năm học THPT, tôi đi làm
phụ hồ
để kiếm tiền trang trải cho đầu năm học mới”, anh Cầu trải lòng.
Tuy phải đi làm thuê nhưng Cầu vẫn đảm bảo việc học. 3 năm THPT, Cầu luôn ở tốp đầu của lớp về học tập. Cuối cấp, anh được đề cử nhận giải thưởng Hoa trạng nguyên dành cho học sinh xuất sắc nhất Trường THPT Yên Khánh A.
“Khi kết thúc 3 năm THPT là lúc tôi đắn đo, nhưng không phải về việc chọn ngành, chọn trường để thi như các bạn cùng trang lứa, mà phải chọn giữa nghỉ học để phụ giúp mẹ hay đi học tiếp. Khi ấy, mẹ tôi phát hiện bị suy thận, không lao động được nữa. Nhờ các thầy cô và bạn bè động viên, tôi quyết định vẫn đi thi đại học”, anh Cầu kể lại.
Dù ước mơ làm thầy giáo từ nhỏ, nhưng vì khó khăn nên anh cũng đành từ bỏ ước mơ đó mà đăng ký thi vào các trường công an và quân đội để không phải lo tiền ăn học. “Lần đầu tiên lên Hà Nội để thi đại học mà chỉ có một mình, giữa đất khách quê người, tôi lặn lội tìm đường đi. Có lần tôi phải đi bộ 7 km để tìm đường từ địa điểm thi về tới chỗ trọ. Đến khi hỏi được về tới chỗ trọ là 12 giờ đêm”, Cầu nhớ lại.
Sau khi thi xong, trong thời gian chờ kết quả, anh được một người cùng xã giới thiệu việc làm thêm và đã ở lại Hà Nội làm thuê để mưu sinh với các công việc như: phụ hồ, đánh giày, bốc vác… “Niềm vui vỡ òa khi cùng lúc tôi thi đỗ 2 trường ĐH lớn: Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện Quân y. Tôi chọn học Học viện Cảnh sát nhân dân vì muốn tự hào khoác lên mình bộ quân phục cảnh sát”, Cầu chia sẻ.
Sau khi vào trường ĐH, anh đã may mắn là 1 trong 3 học viên được chọn sang Liên bang Nga
du học
. “Đó là một giấc mơ, thực sự là một giấc mơ đối với một sinh viên nghèo như tôi”, Cầu trải lòng.
Anh cho biết thời gian học tập ở nước Nga là quãng thời gian đẹp nhất tuổi thanh xuân của mình. Những trải nghiệm về cuộc sống, đất nước, con người Nga, có rất nhiều cái mới và hiện đại làm anh choáng ngợp.
Tốt nghiệp loại xuất sắc, về nước, anh cũng giằng co không biết chọn việc gì để phù hợp với chuyên môn và khả năng của mình. Khao khát trở thành thầy giáo đã khiến anh quyết định xin vào làm
giảng viên
Học viện Cảnh sát nhân dân. Sau đó, với kết quả học tập tốt, cộng thêm việc có cống hiến trong công tác giảng dạy, anh đã được nhà trường cử đi học nghiên cứu sinh tại Liên bang Nga và trở thành một trong những giảng viên trẻ tuổi nhất học viện (26 tuổi) được cử đi nước ngoài học tập.