DANH MỤC
PHÚ QUỐC TRONG NỖI THẤT VỌNG VÌ RÁC THẢI CHẤT ĐỐNG
Lượng rác tồn đọng và ngày càng nhiều do không có nhà máy xử lý chất thải khiến cho đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) đang ngày càng trở nên xấu xí và đáng báo động.
Phú Quốc được biết đến là hòn đảo ngọc xinh đẹp, là trung tâm du lịch của tỉnh Kiên Giang, với diện tích gần 590 km2, dân số hiện ước tính trên 100.000 người, chưa kể biến động lớn từ đối tượng lao động tạm trú và sự gia tăng nhanh của khách du lịch.
Theo thống kê, lượng khách du lịch trong năm 2015 đã gấp 9 lần dân số của đảo, và tỷ lệ này vẫn tiếp tục gia tăng.
Rác từ vỉa hè, trong chợ, trên rừng đến ngoài biển
Sự tăng trưởng dân số cơ học nhanh chóng, cùng với công tác quản lý rác thải còn hạn chế, đã liên tiếp gây ô nhiễm nghiêm trọng trên bờ và dưới biển. Một trong những tác nhân dẫn đến sự ô nhiễm chính là rác thải nhựa.
Các điểm nóng về rác trải dài từ Bắc đến Nam đảo Phú Quốc, có tại các vỉa hè, trong chợ, trên rừng, ngoài biển. Cụ thể, khu vực mé biển ven công viên thị trấn Dương Đông, cách Dinh Cậu vài chục mét có một lượng rác trôi dạt khổng lồ.
Ngoài thùng xốp, ngư lưới thì rác thải nhựa trôi nổi, hoặc trầm tích dưới lòng biển gây ám ảnh cho nhiều dân địa phương và du khách. Đây cũng là địa điểm du khách lui tới thường xuyên.
Dinh Cậu là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Phú Quốc, thu hút đông lượng khách đến tham quan, tắm biển. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, môi trường biển xấu đi đáng báo động. Lượng lớn rác thải nhựa, ngư lưới hư hỏng… theo sóng lớn trôi dạt vào khu vực bãi biển.
Khu vực này trước đây có bãi đá khá đẹp, có mùa rêu mọc xanh, từng là điểm đến trải nghiệm thú vị của du khách, cũng là nơi sáng tác lý tưởng của giới nhiếp ảnh khi ca ngợi môi trường biển Phú Quốc trong lành. Nhưng giờ đây, nơi này thật sự khiến nhiều người lo ngại.
Trong những tháng gần đây, UBND huyện Phú Quốc huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, các ban ngành huyện, lực lượng vũ trang, học sinh… thường xuyên dọn rác, vệ sinh môi trường. Nhưng những nỗ lực đó không xuể, bởi lượng phế thải trôi dạt vào đây mỗi ngày rất lớn.
Từ một góc máy thấp, phóng viên ghi lại hình ảnh nhiều rác thải khu vực biển Đinh Cậu. Chắc chắn đây là điều hụt hẫng của không ít du khách, là trăn trở của những người làm công tác quản lý môi trường tại đảo ngọc.
Chợ thị trấn Dương Đông là chợ lớn nhất của huyện đảo Phú Quốc, nơi tập trung hàng trăm tiểu thương buôn bán nhiều mặt hàng. Nơi xả rác thải nhiều nhất là khu vực bày bán nông sản, thủy sản của chợ.
Theo Ban quản lý chợ, mỗi ngày chợ “sản sinh” hàng tấn rác thải, rất nhiều trong số đó là rác thải nhựa, rác thải có mùi hôi nặng và ẩm ướt. Ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền việc không xả rác thải bừa bãi nhưng không phải ai cũng thực hiện. Bằng chứng là có nhiều hộ gia đình, nhiều tiểu thương có thói ven vứt rác xuống lòng đường, vỉa hè, ném xuống cống rãnh hoặc những nơi trũng thấp để “thủ tiêu”.
Suối Tranh là nơi thu hút hàng nghìn lượt khách đến mỗi ngày vào mùa mưa (tức mùa suối nhiều nước) tại Phú Quốc. Con số này còn gia tăng vào các dịp lễ, tết.
Dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, cao điểm có khoảng 2.000 đến 3.000 lượt khách đến đây tham quan, tắm suối và trải nghiệm du lịch sinh thái núi rừng. Điều lo lắng là nhiều du khách đến suối Tranh mang theo đồ ăn, thức uống, bày tiệc nhậu trên những tảng đá to, dưới tán cây rừng ven suối.
Theo đó, nhiều người xả rác xuống con suối xinh đẹp, ném vào cây rậm, hoặc bỏ trơ lại trên những tảng đá.
Sân bay cũ thuộc thị trấn Dương Đông từ khi không còn hoạt động cho đến nay đã trở thành một điểm nóng về rác. Nhiều người thấy nơi này trống vắng liền thường xuyên mang phế thải ra đây vứt bừa bãi.
Ngành chức năng huyện Phú Quốc từng cắm nhiều bảng thông tin mức xử phạt hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng theo Nghị định 155, tuy nhiên chưa đủ sức răn đe. Giờ đây, khu vực này ngổn ngang rác, gây nhức mắt cho du khách.
Còn dọc tuyến đường chính bắc – nam của đảo, không khó nhận thấy hàng chục địa điểm người dân tự ý tập kết rác thải nhếch nhác, nhất là tại các khu vực dân cư, các điểm chợ buôn bán ven lề đường.
Ở một số khu vực của sông Dương Đông, tình trạng cũng tương tự, làm ô nhiễm nguồn nước con sông.
Nhà máy xử lý chất thải không hoạt động
Nhiều năm qua, huyện đảo Phú Quốc có 3 bãi rác tạm gồm bãi tại thị trấn An Thới, Ông Lang và Hàm Ninh. Các bãi này từng nhận hàng chục, có khi hàng trăm tấn rác thải mỗi ngày. Đến tháng 7 năm nay, dù có quy mô nhiều ha, tất cả đều trong tình trạng quá tải và không thể nhận rác thêm.
Hơn 2 tháng nay, huyện Phú Quốc chọn giải pháp tình thế là sử dụng một khu đất hàng chục ha thuộc ấp 4, xã Cửa Dương làm nơi đổ rác tạm. Theo ghi nhận, núi rác tại đây ngày càng lớn dần, lượng nước rỉ ra làm đen ngòm các khu vực trũng nước xung quanh, mùi hôi thối bốc lên khiến nhiều người dân bức xúc.
Bãi rác tạm hiện do Ban quản lý Công trình công cộng Phú Quốc chịu trách nhiệm giám sát, cải tạo đường vào, bố trí xe cuốc san lấp rác thải tập kết hàng ngày.
Những ngày tháng 9, đường dẫn vào đây là đường đất, có đoạn rất lầy lội do xe chở rác liên tục chạy cả ngày lẫn đêm, nhất là khi trời mưa. Tiếng ồn của động cơ xe, đường xá bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Đại diện Ban quản lý Công trình công cộng Phú Quốc cho biết đơn vị này phụ trách việc thu gom khoảng 80% tổng lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn toàn huyện đảo. Số lượng rác có chiều hướng gia tăng do Phú Quốc tăng dân số cơ học nhanh chóng. Toàn huyện, có khoảng 100 công nhân vệ sinh môi trường.
Công việc của họ thường tập trung nhiều nhất vào ban đêm, nhiều khi quá tải họ phải tăng ca và làm việc hết công suất.
Anh Chiến và vợ đang thu gom rác thải vào thùng khu vực chợ thị trấn Dương Đông để kịp chuyến xe lớn nhận rác đi ngang qua. Đây là nghề chính của vợ chồng anh Chiến, cho thu nhập 2 người mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Là công việc khó nhọc, tiềm ẩn độc hại, nhưng cả hai vợ chồng anh đã làm nghề này nhiều năm.
Trò chuyện được phút chốc, có tiếng kèn báo hiệu, anh Chiến cùng vợ và nhiều anh em công nhân đổ các thùng rác lên xe, í ới chuyện trò.
Cứ thế, mỗi đêm ở huyện đảo Phú Quốc, hàng chục chuyến xe về bãi rác tạm ở Cửa Dương. Nhiều người dân nói rằng rác được chở về bãi chôn lấp chứ đâu có nhà máy xử lý. Họ bày tỏ mong muốn huyện đảo có nhà máy xử lý để giải quyết chất thải hàng ngày của người dân và cũng để “giải quyết” những núi rác tạm khổng lồ kia.
Phú Quốc vốn có nhà máy điện rác tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh do Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Toàn Cầu làm chủ đầu tư. Nhà máy có vốn đầu tư khoảng
230 tỷ đồng
, xây dựng trên diện tích 10 ha, công suất xử lý 200 tấn rác mỗi ngày. Hoạt động từ tháng 10/2017, sau đó nhà máy tạm ngưng lấy rác từ tháng 12/2017 do trục trặc về dây chuyền.
Sau thời gian nâng cấp sửa, tháng 7/2018 nhà máy này tiếp tục hoạt động nhưng không đạt hiệu quả và công suất như kỳ vọng.
Có thời điểm nhà máy chỉ hoạt động đạt cộng suất 40 tấn/ngày, gây ùn ứ rác, ảnh hưởng đến đời sống người dân, cảnh quan đô thị Phú Quốc. Người dân bức xúc, chặn xe vận chuyển vào nhà máy.
Đến tháng 6/2019, lãnh đạo nhà máy gửi công văn đến UBND huyện Phú Quốc xin tạm dừng tiếp nhận rác. Nhiều lần được cơ quan chức năng gia hạn thời gian khắc phục sự cố kỹ thuật, nhưng cơ sở này vẫn chưa hoạt động. Hiện, tỉnh Kiên Giang đã hoàn tất thủ tục thu hồi dự án và tiếp tục kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác ở vị trí khác.
Một trong những vấn đề mà nhiều nhà đầu tư vào nhà máy rác vào Phú Quốc gặp khó là công nghệ và vị trí đất để thực hiện dự án. Việc cần làm của Phú Quốc là nếu có nhà đầu tư đáp ứng về công nghệ xử lý rác thì việc còn lại của địa phương phải bố trí quỹ đất và nguồn lực thích hợp để triển khai và vận hành nhà máy hiệu quả. Đây là những công việc không dễ thực hiện, trong khi Kiên Giang chưa từng có kinh nghiệm trong bố trí đầu tư, vận hành dự án nhà máy xử lý rác.
Lãnh đạo tỉnh xác nhận việc nhanh chóng tìm nhà đầu tư, thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải tại Phú Quốc là việc làm cấp thiết, trong bối cảnh rác ngày càng nhiều tại đảo ngọc. Quan điểm của tỉnh là không thể cứ cho rác vào bãi tạm mãi như thế, mà phải có nhà máy để xử lý rác và hoạt động hiệu quả.
Gần đây,
Zing.vn
ghi nhận được hình ảnh nhà máy vẫn hoạt động (dù đã bị thu hồi dự án), xả nhiều khói thải, khiến cả một vùng rộng lớn nơi này mù mịt, người dân ngỡ ngàng.
Trao đổi với ông Nguyễn Thống Nhất (Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc) và được biết dù đã có quyết định thu hồi, nhà máy vẫn lần lữa mà chưa thực hiện nghiêm các quy định. Việc hoạt động có thể do công ty này tự xử lý một lượng rác tồn đọng tại nhà máy trước đây, vì hiện này không còn nhận rác mới.
Dân nghèo mưu sinh trên bãi rác
Bãi rác mới tại xã Cửa Dương là 1 trong 4 bãi rác tạm hiện hữu của huyện đảo Phú Quốc. Đây cũng là bãi rác duy nhất có tiếp nhận rác hiện nay. Việc tiếp nhận rác thải vào bãi kéo theo hàng chục người lao động nghèo khó, đến mưu sinh từ việc nhặt phế liệu bán.
Tại đây, phóng viên gặp ông Nguyễn Thanh Phong (55 tuổi), quê quán huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, người đã có nhiều năm mưu sinh từ nghề nhặt phế liệu tại các bãi rác tạm ở Phú Quốc. Cùng làm nghề này với ông có vợ và mấy người bà con. Những năm trước, ông Phong mưu sinh tại bãi rác tạm ở thị trấn An Thới và bãi Ông Lang.
Giờ các bãi rác ấy đã đóng cửa không nhận rác, gia đình ông Phong về dựng lều sống tạm bợ tại khu vực bãi rác này. Thường, ông Phong và vợ ông làm ca đêm, tức khoảng 23h đến 6h sáng hôm sau. Cũng theo ông, đây là thời điểm bãi sôi động nhất, bởi có hàng chục chuyến xe chở rác về đổ. Làm cật lực, mỗi đêm, hai vợ chồng ông thu nhập khoảng 200.000 đồng/người, có khi cao hơn đôi chút.
“Giờ đã lớn tuổi, tôi đâu còn chọn được nghề nào khác. Làm việc ở đây hôi thối, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tôi biết điều đó, nhưng vì chén cơm nên đành vậy”, ông Phong chia sẻ. Cũng làm với vợ chồng ông vào ban đêm còn có khoảng 10 hộ gia đình khác, cuộc sống của họ đều nghèo khó.
Còn ca ngày, bãi rác tạm có khoảng 20 người làm nghề nhặt phế liệu. Họ là những người tứ xứ, hầu hết quen mặt nhau. Công việc của mỗi người kéo dài từ khoảng 6h đến 18h hàng ngày. Phần lớn họ là những người siêng năng, làm việc cả những lúc trời nắng gắt hoặc mưa lớn. Ban ngày, thời gian làm việc dài hơn đêm nên thu nhập mỗi người cũng khoảng 300-400.000 đồng/ngày.
Em Tiến (12 tuổi) vì theo mẹ rong ruổi mưu sinh tại các bãi rác ở Phú Quốc nên không có thời gian và điều kiện học hành. Hàng ngày, em cùng mẹ nhặt phế liệu bán, kiếm cái ăn. Trời chiều lất phất mưa, em mệt mỏi nằm chôn mình trên chiếc võng trong căn chòi lụp xụp, mơ màng mà không ngủ được.
Em nói trong người không khỏe một chút nào. Nếu ổn hơn, em đã ra bãi rác nhặt phế liệu cùng mẹ. Tiến rất thương mẹ, vì lo toan cho em mà bà ấy phải làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, rất ít dành thời gian ngơi nghỉ.
Không riêng gia đình ông Phong, hay mẹ con em Tiến, tại khu vực ven bãi rác này có hàng chục người dân nghèo đến đây dựng chòi tạm, để mưu sinh. Đây là bãi rác mới, chỉ khoảng 2 tháng nay, nên những căn chòi mà người dân nơi này cất dựng cũng khá mới mẻ.
Những người làm ca đêm như ông Phong thì ban ngày tranh thủ nghỉ ngơi. Đàn ông thì loay hoay với ấm trà, đàn bà thì may vá hoặc làm công việc lặt vặt quanh cái bếp đầy ruồi nhặng. Bọn trẻ con trong “xóm chòi” này ít nói và nhút nhát khác lạ.
Trong ánh sáng chiều mù mờ, hơn chục người khẩn trương bới rác, nhặt những chai nhựa, mảnh vỡ đồ dùng bằng nhựa có thể bán được. Họ nhặt rất nhanh, như chạy đua với thời gian, với dòng đời, với nghịch cảnh nghèo khó, để tìm cái ăn trước lúc ngày tàn, đêm tối.
Theo UBND huyện Phú Quốc, bình quân mỗi ngày huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thải ra khoảng 150 tấn rác. Lượng rác thải này gây ra áp lực rất lớn đối với môi trường toàn huyện đảo, trong bối cảnh huyện không có nhà máy xử lý rác thải hoạt động và các bãi rác tạm liên tục bị quá tải. Thực tế đầu ra của rác thải ở Phú Quốc luôn khiến ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và chính quyền địa phương huyện đảo này trăn trở suốt thời gian qua.
Không ngừng nghỉ, rác ở Phú Quốc vẫn sinh ra từng ngày. Vì không được quản lý tốt, cộng với ý thức kém của một bộ phận người dân, du khách, rác thải trở nên tràn lan và gây ô nhiễm môi trường tại nhiều khu vực, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch của đảo ngọc.