Giá nhà đất tại Phú Quốc được ghi nhận là giảm so với đỉnh điểm cơn sốt vào giữa năm 2018. Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng vẫn có một số khu vực tiềm năng, đường lớn, gần mặt biển có nguồn gốc pháp lý rõ ràng vẫn được các nhà đầu tư quan tâm.
Nhà đầu tư âm thầm rút khỏi Phú Quốc
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt được thông qua. Vì chưa được thông qua nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định…Đồng thời, đề xuất lập mới Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.
Có hiện tượng NĐT lẻ rút dòng tiền khỏi Phú Quốc
Trước đề xuất của tỉnh Kiên Giang, Bộ Xây dựng sau đó đã có văn bản trả lời về việc tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị tạm dừng lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế. Bộ Xây dựng nêu rõ việc tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại thời điểm này là chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch. Đồng thời Bộ đã thống nhất với kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Theo ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu, sau thông tin này, mức độ quan tâm, tìm kiếm BĐS tại địa bàn tỉnh Kiên Giang giảm hơn 60% so với nhu cầu tìm mua trước đó. Bên cạnh đó, trong tháng 7/2019, lượng sản phẩm rao bán thứ cấp tại thị trường này đang tăng thêm 14% so với tháng trước do động thái bán ra của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ dạng lướt sóng sau một thời gian dài chờ đợi.
Theo các chuyên gia, việc chính quyền tỉnh Kiên Giang đề nghị tạm dừng lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế ngay lập tức tác động đến thị trường BĐS nơi đây. Theo ghi nhận, hiện nay, số lượng văn phòng môi giới nhà đất tại Phú Quốc đã đóng cửa, rút lui đến 70 – 80% so với thời kì sốt đất hồi cuối 2017 – đầu 2018. Số còn lại chỉ đang hoạt động cầm chừng. Lượng giao dịch BĐS cũng giảm tỉ lệ thuận với số lượng văn phòng môi giới đóng cửa nói trên, thậm chí còn giảm mạnh hơn.
Giá đất Phú Quốc hầu hết đã giảm mạnh, một số nơi có thế mạnh về hạ tầng không giảm mạnh nhưng “chững giá”. Một số khu vực khi CĐT bán cắt lỗ, NĐT vẫn mua vào nhưng hiện tượng này diễn ra khá ít.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, sự trầm lắng của thị trường BĐS Phú Quốc chỉ trong thời gian ngắn. Còn về dài hạn thì tiềm năng vẫn lớn do khả năng khai thác dịch vụ cao, hòn đảo này cũng quá nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, phát triển du lịch…
Phải có quy hoạch rõ ràng thì mới tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường vừa qua ở Phú Quốc là một sự hỗn loạn mà nguyên nhân do Phú Quốc chưa có quy hoạch cụ thể phát triển sử dụng đất, đầu tư và phát triển hạ tầng phát triển kinh tế rõ ràng…
Theo ông Đính, chính sự hỗn loạn này khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường nơi đây, không dám mạnh tay rót tiền. Hầu hết chỉ nhảy vào lúc thị trường nóng sốt, còn về dài hạn giao dịch khá trầm lắng. “Việc có quy hoạch rõ ràng như đề xuất của Kiên Giang trước đó sẽ giúp nhà đầu tư có niềm tin hơn”, ông Đính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sự trầm lắng nhìn chung của thị trường BĐS Phú Quốc thời gian gần đây còn đến từ việc lượng vốn rất lớn của nhà đầu tư nằm “bất động” lúc thị trường hạ nhiệt. Rất nhiều nhà đầu tư “găm” tiền vào đất rừng, đất đồi, đất nông nghiệp… Giờ giao dịch không có, không ai dám xuống tiền.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, về dài hạn phụ thuộc vào chất lượng quy hoạch rất nhiều. Do vậy nếu kiến nghị của Kiên Giang được chấp thuận, sau đó tỉnh được lập quy hoạch thì việc thẩm định, thẩm tra, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền cũng cần được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo sự phát triển chiến lược…
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ