DANH MỤC
Lượng khách du lịch đến Cô Tô (Quảng Ninh) đã tăng hơn 10 lần, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng hơn 5 lần trong gần 10 năm qua. Thành quả ấy có được nhờ một quyết sách chiến lược: Kéo cáp ngầm đưa điện ra đảo.
7h sáng, chúng tôi có mặt ở cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn), lên chiếc tàu 2 thân hiện đại thẳng hướng đi Cô Tô. Chỉ 65 phút sau, chiếc tàu đã cắt sóng cập cầu tàu trên đảo. Một vùng đảo ngọc tiền tiêu với biển xanh cát trắng, đường xá khang trang khiến người ta tưởng như một góc của Nha Trang hay Phú Quốc.
Ít người biết rằng nơi đây từng là vùng khó khăn thiếu thốn trăm bề, đến nước ngọt cũng là thứ xa xỉ. Bước ngoặt đến vào năm 2013, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm thực hiện kéo điện lưới ra đảo, dù nguồn lực và công nghệ lúc đó còn nhiều hạn chế. Song song với đó là việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt.
Có điện, có nước đã giúp kinh tế Cô Tô “bừng sáng”, đời sống người dân được cải thiện nhanh chóng. Cô Tô vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.
Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu, vùng phên dậu của đất nước với 200 km đường biên giới trên biển kéo dài từ đảo Trần tới quần đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng. Huyện có 50 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Cô Tô, rộng chừng 50 km2. Rừng nguyên sinh ở đây được bảo tồn gần như nguyên vẹn với những cây cổ thụ trăm năm, dây leo chằng chịt. Cô Tô cũng sở hữu 300 km2 ngư trường đánh bắt thủy hải sản.
Tiềm năng là thế nhưng trước năm 2010, kinh tế ở Cô Tô gần như chưa phát triển do hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là 3 thiếu: Thiếu điện, thiếu nước ngọt và thiếu tàu ra đảo. Cách cảng Cái Rồng, Vân Đồn chỉ hơn 50 hải lý (khoảng hơn 60 km) nhưng đến năm 2011, Cô Tô vẫn rất xa xôi vì chỉ có 2 chiếc tàu gỗ đi hơn 3 tiếng mới tới nơi. Trên đảo thiếu điện, đặc biệt là thiếu nước ngọt vào mùa khô nên mọi hoạt động dịch vụ, du lịch chưa thể phát triển.
Ông Đào Văn Vũ, giờ là Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, từng có hơn 30 năm gắn bó với Cô Tô nhớ lại khó khăn trên đảo: “Có những khi tôi xuất phát từ Cái Rồng mà phải 6 tiếng sau mới đến được Cô Tô vì gió lớn, tàu phải đi vòng tránh sóng. Khi vào bờ phải xách dép, xắn quần lội lên bờ chứ chưa có cầu cảng”.
Huyện không có điện lưới, nguồn điện chủ yếu là 2 chiếc máy nổ chạy bằng dầu. Một ngày chỉ cấp điện đến 20-21h là phải ngắt. Vì điện chạy bằng máy nổ nên chi phí rất cao, 5.000-6.000 đồng/kWh, những nhà dùng nhiều ở bậc thang cao có thể lên tới 15.000-16.000 đ/kWh. Đa số nhà dân chỉ dùng điện chiếu sáng và quạt cho nhu cầu thiết yếu.
Ngành du lịch lại càng không phát triển do đi lại khó khăn, điều kiện ăn nghỉ cũng khiêm tốn. Cả huyện gần như không có khách sạn nào, chủ yếu là nhà nghỉ nhỏ. Thậm chí khi khách muốn dùng điều hòa phải trả thêm tiền điện với giá rất đắt đỏ. Trên đảo lớn chỉ có duy nhất một chiếc xe bán tải cũ kỹ của lực lượng công an. Do đó đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa rất khó khăn.
Năm 2010, Cô Tô đón chưa đến 5.000 khách, đến năm 2011-2012, dù máy nổ được trang bị nhiều và công suất lớn hơn, khách cũng chỉ đạt khoảng 30.000 lượt.
Cũng bởi không có điện nên thủy hải sản đánh bắt được trên biển về khó bảo quản, nhiều ngư dân phải bán trực tiếp trên biển cho những thuyền buôn từ đất liền ra mua với giá rẻ, bởi có mang về đảo cũng khó bảo quản và không có điện để chế biến.
Ngoài thiếu điện, Cô Tô còn thiếu cả nước ngọt. Vào mùa khô, các gia đình phải chia nhau từng thùng nước.
Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Bí thư huyện đảo Cô Tô giai đoạn 2010-2015 nhớ lại: “Khi ra đảo nhậm chức Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo, tôi và ban lãnh đạo huyện cũng đau đáu tìm giải pháp khắc phục thiếu điện, thiếu nước, thiếu tàu cho người dân trên đảo nhưng đến năm 2011 mới chỉ có thể khởi công hồ chứa nước ngọt, còn kéo điện là chuyện quá xa vời, chưa biết bao giờ mới làm được”.
Cũng với hồ nước đó, ông Thành từng phải ký “quân lệnh trạng” với Bí thư tỉnh uỷ: “Tháng 8/2011, chỉ vài ngày sau khi nhậm chức bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm không chính thức tới huyện đảo tiền tiêu Cô Tô. Chính tôi và một đồng chí lái xe đưa tân Bí thư đi thăm đảo trên chiếc xe bán tải duy nhất mượn của công an huyện. Khi thấy chúng tôi đang làm hồ nước ngọt Trường Xuân, ông hỏi dự án làm trong bao lâu, tôi nói phải mất 3 năm vì thiếu vốn. Sau đó Bí thư hỏi: Nếu tỉnh ưu tiên bố trí vốn, các anh có làm được trong 1 năm không, làm nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng? Tôi khẳng định làm được, Bí thư liền yêu cầu viết cam kết, tôi làm 2 bản, 1 bản gửi Tỉnh ủy một bản gửi UBND tỉnh. Sau khi bổ sung vốn và huy động nhân công, thiết bị cơ giới, chúng tôi đưa hồ vào hoạt động đúng hạn cam kết, đến giờ vẫn hoạt động tốt, là nguồn tích nước ngọt lớn nhất trên đảo”.
Về điện, ông Thành cho biết, khi đó ông báo cáo Bí thư phương án tối ưu là kéo cáp, nhưng khó khăn về công nghệ và vốn; nếu làm nhiệt điện than thì không thể phát triển du lịch vì sẽ bị ô nhiễm toàn đảo. “Khi đó Bí thư không quyết gì, chúng tôi cũng không biết có kéo được cáp ra đảo không, vì ở Việt Nam chưa từng có dự án kéo cáp điện ngầm dưới đáy biển dài như vậy”, ông Thành chia sẻ.
Vài tuần sau chuyến thăm của tân Bí thư tỉnh ủy đến Cô Tô, ông Thành được triệu tập vào dự một cuộc họp của lãnh đạo Quảng Ninh do Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính chủ trì, tại đó, một quyết sách khiến 5.000 dân huyện đảo Cô Tô vô cùng hạnh phúc: Kéo điện bằng cáp ngầm ra đảo.
Ông Thành cho biết khi đó người đứng đầu đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã nói với ông: “Chúng ta cố gắng đưa điện ra đảo, làm hồ chứa lo nước sinh hoạt cho dân thì tự khắc doanh nghiệp sẽ đầu tư đội tàu hiện đại kết nối đảo với bờ”.
Vậy là ba cái khó của Cô Tô đã có lời giải.
Về mặt kỹ thuật, để kéo điện lưới ra đảo là một thách thức lớn khi khoảng cách cáp ngầm dưới biển có chỗ dài nhất là 25 km (giữa đảo này với đảo khác). Công nghệ kéo cáp ngầm dẫn điện dưới đáy biển khi đó còn rất mới mẻ và gần như chưa có ở Việt Nam. Để chôn cáp, đơn vị kỹ thuật phải sử dụng robot để cắt đá, đào bề mặt đáy biển xuống sâu khoảng 1,5-2 m, rồi thợ lặn hạ dây cáp xuống khe mới đào, sau đó đặt một loại vật liệu đặc biệt phủ lên trên để bảo vệ bó cáp ngầm.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi về sự an toàn và khả thi của việc kéo cáp ngầm dưới biển.
Một vấn đề nữa là chi phí vốn để kéo điện ra rất lớn, lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2011, ngân sách chi cho đầu tư phát triển của cả Quảng Ninh chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng, không thể dồn quá nhiều cho một công trình lớn như vậy. Công ty điện lực Miền Bắc cũng chưa thể đủ vốn để làm một công trình lớn, trong khi hiệu quả kinh doanh trước mắt không cao.
“Có nhiều khó khăn, nhưng Bí thư và Ban thường vụ Tỉnh ủy thời đó rất quyết tâm kéo điện lưới ra đảo. Những khó khăn về cả tài chính và công nghệ đều được tháo gỡ dần dần với sự vào cuộc quyết liệt, hết sức khẩn trương, chi tiết”, ông Nguyễn Đức Thành nhớ lại.
Quy mô dự án gồm hơn 27,5 km đường dây 110 kV 2 mạch; 22 km đường dây trên không 22 kV; 23 km đường cáp ngầm; 8 trạm cắt 22 kV; 12 trạm biến áp và 34 km đường dây hạ áp. Các đoạn đường dây 100 kV được thả dây bằng khinh khí cầu, còn độ sâu đáy biển để hạ cáp ngầm trung bình là 29 m.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi đó có một quyết sách giá trị là đưa cả đường cáp quang Internet trong bó cáp điện, nên đến giờ Cô Tô có cả điện lưới và đường cáp quang băng thông rộng.
Dự toán của dự án là khoảng 1.100 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Điện lực Miền Bắc sẽ góp 350 tỷ đồng. Số tiền còn lại Quảng Ninh khoảng 830 tỷ huy động bằng nguồn xã hội hóa và ngân sách của tỉnh.
Nhiều người dân Quảng Ninh không thể quên một đợt vận động đóng góp rất sôi động và ý nghĩa: Góp sức dân kéo điện ra Cô Tô. Mỗi cán bộ công chức trên toàn tỉnh góp 1 ngày lương của mình. Tỉnh cũng kêu gọi người dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, thậm chí là cả những người Quảng Ninh xa quê tham gia đóng góp. Số tiền còn lại được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh.
Sau 350 ngày thi công, tháng 10/2013, dự án kéo điện lưới ra Cô Tô bằng cáp ngầm đã hoàn thành trước niềm vui vỡ òa của người dân Cô Tô và cả tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều người già trên đảo nước mắt rưng rưng khi thấy ánh sáng từ lưới điện quốc gia trên đảo. Người trẻ rạng ngời ánh mắt nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại với việc kết nối Internet tốc độ cao hoà nhập cùng dòng chảy thông tin toàn cầu.
Cùng với điện, hồ Trường Xuân dung tích 170.000 m2 cùng với hồ C4, Ông Thanh, Ông Cự… là nguồn cung cấp nước ngọt chiến lược cho huyện đảo Cô Tô. Như vậy, chỉ trong vài năm, Cô Tô đã có cả điện lưới, nước ngọt, một sự thay đổi vượt bậc chưa từng có của hòn đảo tiền tiêu này.
Cầu cảng Cô Tô mỗi buổi sáng đều tấp nập hàng chục chiếc xe điện nối đuôi nhau đón khách, tiễn khách, chở hàng hóa từ những chuyến tàu nối với đất liền. Anh Hoàng Văn Hưng, chủ một khách sạn 2 sao gần cầu cảng, nhớ lại cách đây 8 năm, khi Cô Tô chưa có điện, anh không bao giờ mơ mình có thể làm được như ngày hôm nay.
Sau khi Cô Tô có điện cũng là lúc anh Hưng xây dựng xong một nhà nghỉ nhỏ. Lượng khách ra đảo tăng đột biến năm này cao gấp rưỡi năm trước khiến nhà nghỉ của anh liên tục mở rộng. Anh Hưng giờ đã là chủ một của khách sạn 2 sao có gần 60 phòng, thêm vài chiếc xe điện để đưa đón khách.
Anh Nguyễn Toàn, quản lý khách sạn Tuấn Vũ trên đảo Cô Tô nhớ lại năm 2013, khi ông bà chủ ở đất liền đổ cả trăm tỷ để xây dựng một khách sạn 3 sao trên đảo, nhiều họ hàng, bạn bè đều can ngăn và bảo là “điên”. Có người nói Cô Tô khi đó vừa khó khăn, vừa khó đến, đầu tư nhiều tiền như vậy thì biết bao giờ mới có thể thu hồi lại vốn.
Tuy vậy, bằng tình yêu biển đảo và nhìn thấy tiềm năng phát triển, người chủ vẫn kiên quyết với kế hoạch của mình. Và quả ngọt đã đến ngay mùa du lịch hè năm 2014. Khách sạn luôn trong tình trạng kín phòng với nhiều đoàn khách lớn. Chủ đầu tư ban đầu dự tính 12-15 năm mới có thể hòa vốn, nhưng đến nay đã có thể thu hồi vốn trong 8-9 năm.
Kể từ khi có điện, lượng khách đến Cô Tô tăng vọt. Từ con số 35.000 lượt năm 2012, năm 2019 (trước dịch Covid-19), Cô Tô đã đón gần 300.000 lượt khách, gần gấp 10 lần trước kia. Khi có điện, nhiều người dân cũng có điều kiện để đầu tư cơ sở lưu trú, ăn uống, các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch. Ngược lại, khi dịch vụ phát triển, du khách đến với Cô Tô lại càng đông hơn.
Hiện tại, đi lại từ đất liền ra Cô Tô rất thuận tiện với nhiều chuyến tàu đi và đến trong ngày. Thậm chí đã có tàu tiêu chuẩn 5 sao chạy tuyến Cái Rồng – Cô Tô di chuyển chưa đến 60 phút, sử dụng được trong tình hình gió cấp 7, chở cùng lúc 850 khách/lượt. Trên đảo đã có tới 300 xe điện phục vụ du khách, gần 200 cơ sở lưu trú, gần 2.500 phòng nghỉ, 51 homestay… Đến nay, Cô Tô có thể đón được 10.000 du khách cùng lúc. Doanh thu du lịch từ con số 50 tỷ năm 2013 đã đạt 700 tỷ vào năm 2019.
Khi có điện và nước, công nghiệp chế biến cũng dần phát triển. Người dân có thể đầu tư phương tiện, đánh bắt thủy hải sản đưa rồi về chế biến sâu tại chỗ để bán với giá cao.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn nói rằng điều quan trọng nhất khi có điện và nước là giúp đời sống người dân được cải thiện về mọi mặt, kinh tế đạt được những bức phát triển quan trọng. Thu nhập bình quân của người dân Cô Tô đạt 4.500 USD/năm, cao hơn mức chung của cả nước hơn 1.000 USD.
“Cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế cũng là một biện pháp giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng đảo tiền tiêu, phên dậu của đất nước”, ông Sơn nói.
Còn ông Thành nói rằng sự thành công của Cô Tô hôm nay là minh chứng rất rõ ràng để thấy tầm nhìn xa và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trước đây.
Ông Lê Hùng Sơn cho biết trong tương lai, Cô Tô phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn, và đón 1,6 triệu lượt khách vào năm 2030. Đảo cũng sẽ chú trọng thu hút các nhà đầu tư lớn, đưa du lịch phát triển tầm cỡ hơn, với những sản phẩm cao cấp hơn để tăng mức chi tiêu của mỗi du khách.
Cô Tô cũng mong muốn trong tương lai không xa sẽ được chấp thuận chủ trương xây dựng sân bay cỡ nhỏ, phục vụ du lịch và an ninh quốc phòng, tránh được những trở ngại do thời tiết, biến đổi khí hậu.
“Các thế hệ lãnh đạo trước đây đã tạo nền tảng làm thay đổi căn bản ở huyện đảo Cô Tô. Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển, đưa Cô Tô trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách”, ông Sơn nói.
WikiPhuquoc – Cập nhật tin tức mới nhất từ Đảo Ngọc Phú Quốc